.

Chào những ngư dân Đà Nẵng anh hùng

Mấy ngày qua, Đà Nẵng vui đón những ngư dân chiến thắng - thoát hiểm từ vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam chiều 26-5 trên biển Hoàng Sa. Đây chỉ là một việc rất nhỏ của vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 1-5.

Vì cuộc mưu sinh, vì bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, tàu ĐNa 90152 và ĐNa 90508 của cùng một chủ và nhiều tàu của ngư dân Đà Nẵng, miền Trung đã vượt sóng ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa đánh bắt hải sản dù biết rằng vùng biển này tình hình đang căng thẳng, ẩn chứa nhiều hiểm nguy, bất trắc.

Chiều 26-5, tàu đang đánh bắt ở cách giàn khoan Hải Dương-981 17 hải lý thì bất ngờ bị nhiều tàu đánh cá Trung Quốc uy hiếp. Tàu Trung Quốc đông hơn về số lượng, đều là tàu vỏ sắt, to lớn hơn nhiều lần. Trên biển rộng chúng có ưu thế áp đảo. Tàu đánh cá Trung Quốc mang số hiệu 11209 hung hăng rồ máy đâm thẳng vào tàu Đà Nẵng. Chiếc 90508 tránh kịp. Chiếc 90152 bị đâm vào đuôi tàu rồi thân tàu, máy tàu bị hư hỏng nặng, lật úp... Thuyền trưởng và tất cả ngư dân lao xuống biển và kêu cứu. Tàu 90508 và nhiều tàu cá của ngư dân Đà Nẵng bất chấp hiểm nguy đến hỗ trợ, đã cứu được tất cả. Con tàu bị lật úp đang chìm dần đã được các ngư dân cùng lực lượng kiểm ngư dùng dây neo giữ cho khỏi bị chìm sâu rồi lật ngửa con tàu, bơm nước khỏi khoang để lai dắt về Đà Nẵng.

Những dòng tin khô khốc, đơn giản trên không thể nào nói đầy đủ trận kịch chiến không cân sức mà ngư dân ta phải đối đầu với lực lượng  hung bạo. Mấy chục con tàu sắt cỡ lớn, nhiều chiếc có trang bị vũ khí, chủ động vây đâm mấy con tàu nhỏ vỏ gỗ. Đúng là châu chấu đá voi.

Trên biển, pháp lý và đạo lý đều có một chuẩn với mọi người, mọi bên là trong bất kỳ tình huống nào, mọi người đều phải hết lòng cứu vớt những người vì bất cứ lý do gì đang lâm nạn.

Những con tàu (và con người) Trung Quốc lại được truyền dạy, được trang bị một phương châm, một triết lý xử thế: Có thể và cần phải làm tất cả mọi hành động dù là tàn độc nhất, miễn đạt được mục tiêu, ở đây là uy hiếp buộc Việt Nam phải thuần phục.

Họ không chỉ không cứu người khi lâm nạn, mà chính họ chủ động gây ra đại họa, đâm hỏng làm chìm tàu, đẩy ngư dân ta vào tình trạng thập tử nhất sinh.

Những ngư dân của ta là những người đầy bản lĩnh, dạn dày thử thách. Họ đã bao lần sống cảnh “hồn treo cột buồm” như ca dao nói về cuộc đời trai bạn xứ này. Họ đã vượt qua Chanchu, Xangsane - những cơn bão tố kinh hoàng. Nhưng ở Hoàng Sa chiều 26-5 ấy, tàu đã hư chìm, người suýt mất mạng.

Cả thế giới đã đồng thanh lên án Trung Quốc không chỉ vì xâm phạm chủ quyền của Việt Nam mà vì hành động tàn bạo vô nhân đạo, trên thế giới này không ai dám làm thế.

Mọi sự so sánh đều khập khiểng. Nhưng chúng ta không quên rằng cách đây hơn 70 năm khi bị giam trong nhà ngục ở Quảng Tây, Bác Hồ đã viết những vần thơ:

Núi cao gặp hổ mà vô sự

Đường phẳng gặp người bị tống lao

Có những người còn hung ác hơn hổ dữ. Ngư dân ta không bị nhấn chìm bởi Chanchu, Xangsane nhưng cuộc đời họ và cả con tàu có thể đã chìm sâu nơi đáy biển Hoàng Sa vì sự hiểm độc của con người.

Bất hạnh thay con người đó lại đang là láng giềng của ta.

Họ đã về Đà Nẵng 10 người đủ cả 10. Những cực nhọc, hiểm nguy thử thách, dữ ác trong 4 - 5 ngày qua có để lại ít nhiều trên những gương mặt thuần phác, sạm màu nắng gió và muối biển. Nhưng ấn tượng hơn cả với chúng ta là những nụ cười hồn hậu, tự tin.

Có lẽ chính vì những ngư dân ta trải qua trận đối mặt với kẻ hiểm độc vô nhân đạo, mà chúng ta thấy ngư dân ta trở nên cao cả hơn, mạnh mẽ hơn.

Với họ, tôi nghĩ mình đã vô duyên, lạc lõng khi đang cố tìm những mỹ từ đẹp nhất để ca ngợi họ, để viết về những việc làm tỏa sáng của họ sau những ngày họ nhận được ngập tràn chia sẻ và tin cậy.

Bởi điều họ mong mỏi thiết tha nhất là sớm được ra khơi, làm công việc bình thường như họ đã làm lâu nay, như cha ông họ đã làm bao đời. Nhất là trong lúc này sự có mặt của họ ở Hoàng Sa đã khẳng định hơn cả mưu sinh là chung tay góp sức giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Họ rất muốn sẽ ra khơi với con tàu ĐNa 90152 thân thương sau khi được tu sửa thật ngon lành. Nhưng họ nghe nói có thể con tàu đó sẽ được lưu giữ như một hiện vật trong bảo tàng chứng tích chiến tranh - cuộc chiến không tiếng súng. Như thế thật là vinh hạnh lớn đối với họ và với làng biển Thanh Khê giàu truyền thống cách mạng.

Họ sẽ vươn khơi đến những vùng biển đang nóng, đang dậy sóng có tên Hoàng Sa thương yêu, lao động cật lực và đôi mắt họ luôn tỉnh sắc để đề phòng và chống trả lại mọi toan tính ác hiểm. Cuối cùng họ đem về những con cá sẽ có trên mâm cơm hằng ngày của chúng ta.

Tôi bỗng như nghe vang ấm lời thơ của Bác Hồ:

Ruộng rẫy là chiến trường
Cuốc cày là vũ khí
Nhà nông là chiến sĩ
Hậu phương thi đua với tiền phương

Lời thơ mộc mạc ấy đã đem lại sự phấn chấn cho hàng triệu anh chị hai lúa, chủ lực quân của cách mạng. Và họ, con em họ, những Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Phùng Văn Khầu đã làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.

Xin mạn phép phác ra một phiên bản:

Biển cả là chiến trường
Lưới tàu là vũ khí
Ngư dân là chiến sĩ
Hậu phương chính là tiền phương.

NGUYỄN ĐÌNH AN

;
.
.
.
.
.