Hôm nay (2-6), cùng với hơn 900.000 học sinh trên cả nước, gần 12.000 thí sinh Đà Nẵng bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên thí sinh chỉ phải thi 4 môn thay vì 6 môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán, Văn, còn lại hai môn do thí sinh tự chọn. Về thời gian thi, kỳ thi rút ngắn còn 2,5 ngày thay cho 3 ngày như trước đây.
Đây được xem là kỳ thi có nhiều đổi mới nhất từ trước đến nay, đồng thời giảm thiểu áp lực cho cả thí sinh lẫn phụ huynh. Bên cạnh đó, kỳ thi năm nay sẽ tiết giảm được một khoản kinh phí đáng kể trong công tác tổ chức, thực hiện vì đã rút ngắn được thời gian thi xuống còn hơn 2 ngày. Điều đáng nói là trước kỳ thi, dư luận cả nước đã có những ý kiến trái chiều về sự đổi mới mà Bộ GD-ĐT đưa ra, đồng ý cũng có mà phản đối dữ dội cũng có, tựu trung đều nói đến vấn đề liệu qua kỳ thi này, chất lượng giáo dục có được nâng lên hay không; các thí sinh có thoát được vấn nạn thi cử như lâu nay hay không… Tất cả những vấn đề đó đã được mổ xẻ, phân tích thấu đáo, từ các chuyên gia đầu ngành đến các nhà khoa học, đội ngũ giáo viên và cuối cùng là ý kiến từ chính các học sinh.
Để chuẩn bị cho kỳ thi đạt kết quả tốt, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có sự chỉ đạo cụ thể, kịp thời đối với ngành GD-ĐT thành phố và các ban, ngành liên quan. Lãnh đạo Sở GD-ĐT thành phố cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án và giải pháp cụ thể, sát thực tế để chuẩn bị tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đối với việc thay đổi số môn thi từ 6 môn còn 4 môn, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, thực hiện nghiêm túc quy chế thi; chỉ đạo giáo viên tổ chức tư vấn học sinh chọn các môn thi phù hợp với năng lực của từng em, phối hợp với phụ huynh trong việc định hướng cho các em chọn môn thi không bắt buộc.
Đến thời điểm này (2-6), toàn thành phố có 25 hội đồng thi (HĐT) với 11.758 thí sinh dự thi tại 504 phòng thi. Ngành GD-ĐT đã bố trí 1.564 cán bộ, giám thị phục vụ công tác thi (chưa kể lực lượng Công an).
Trước đó, ngày 21-5, lãnh đạo Công an và Sở GD-ĐT thành phố đã có cuộc họp phối hợp triển khai “Kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2014”. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới nên công tác bảo vệ trước, trong và ngoài phòng thi là một trong những nhiệm vụ quan trọng... Trong đó, lực lượng chuyên ngành đã tập trung các công tác trọng tâm như: bảo đảm khâu giám sát quá trình tổ chức thi, khâu in sao đề thi, vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi; bảo đảm trật tự trong và ngoài phòng thi; phân luồng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng ở các nút giao thông, các tụ điểm tập trung đông người ở các HĐT; kiểm tra, quản lý chặt chẽ không để xảy ra tình trạng mang tài liệu, “phao thi” vào phòng thi, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giáo viên, cán bộ coi thi trong lưu thông đi và đến các điểm thi…
Công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất ở các khâu tổ chức thi, lịch thi đã được công bố tại HĐT, đến với các thí sinh… Đồng thời, các công tác phụ trợ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 cũng đã hoàn tất. Tất cả đã sẵn sàng cho một kỳ thi với nhiều đổi mới, trong đó mặc dù nội dung đề thi không nằm ngoài kiến thức sách giáo khoa lớp 12, nhưng ở kỳ thi này, nếu có khâu chuẩn bị ôn tập tốt, được tư vấn, hướng dẫn thấu đáo của đội ngũ giáo viên, thí sinh biết vận dụng các kiến thức tổng hợp để giải quyết vấn đề thì kết quả làm bài sẽ đạt cao hơn.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của cả bộ máy từ chính quyền đến các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là ngành GD-ĐT thành phố, với truyền thống hiếu học của học trò đất Quảng, chúng ta sẽ có một kỳ thi thành công.
CHUNG ANH