Sau gần 2 ngày 1 đêm kiên cường đối mặt với giặc lửa, gần 1.000 người thuộc nhiều lực lượng, trong đó chủ yếu là các đơn vị quân đội mới khống chế hoàn toàn vụ cháy tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, xảy ra sáng 21-6. Đây là vụ cháy kéo dài nhất và diện tích rừng bị thiệt hại lớn nhất kể từ trước đến nay trên lâm phận Đà Nẵng. Vụ cháy rừng lớn này nâng tổng số vụ cháy từ đầu năm đến nay ở Đà Nẵng lên con số 9, xấp xỉ số vụ cháy rừng xảy ra cùng kỳ năm ngoái, song diện tích rừng bị thiệt hại lớn hơn nhiều.
Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Minh chứng mới nhất là chỉ trong ngày thứ bảy (21-6) vừa qua, tại 3 khu rừng khác nhau thuộc lâm phận thành phố đều xảy ra cháy. Đó là chưa kể khá nhiều vụ đốt xử lý thực bì rừng trồng sau khai thác vẫn ngang nhiên diễn ra mặc cho quy định cấm của cơ quan kiểm lâm ban hành trước đó chưa lâu. Đúng vào lúc gần 200 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, dân quân tự vệ và kiểm lâm nỗ lực khống chế đám cháy xảy ra tại rừng trồng thuộc lâm phận phường Hòa Khánh Nam (Liên Chiểu) thì hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội khác tức tốc lên đường chữa cháy rừng tại xã Hòa Phú. Thực trạng này chứng tỏ công tác phòng cháy rừng ở Đà Nẵng còn quá nhiều hạn chế.
Với hơn 50 nghìn ha rừng các loại, Đà Nẵng là địa phương có diện tích rừng khiêm tốn nhất trong số các tỉnh, thành có rừng trên phạm vi cả nước. Thế nhưng, tình trạng cháy rừng tại Đà Nẵng luôn là điểm nóng. Trong khi 2 địa phương lân cận là Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế, diện tích rừng lớn gấp nhiều lần so Đà Nẵng, song tình trạng cháy rừng tại các địa phương này ít hơn nhiều. Có lẽ, ít địa phương nào chỉ hơn 20 ngày của tháng 6 này, liên tiếp xảy ra 4 vụ cháy thiêu rụi hơn 100ha rừng các loại!
Ai cũng biết, mỗi khi cháy rừng, nhất là cháy lớn xảy ra, hậu quả rất nặng nề. Không chỉ tài nguyên rừng bị thiêu rụi, phải tốn nhiều kinh phí, công sức và thời gian mới phục hồi lại được mà chi phí cho công tác chữa cháy rừng không hề nhỏ. Cháy rừng còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, đến an ninh chính trị. Nói tóm lại, hậu quả của nạn cháy rừng đối với đời sống xã hội hết sức nghiêm trọng.
Tại sao ở Đà Nẵng liên tục xảy ra cháy rừng? Câu hỏi này cơ quan chức năng, cụ thể là Chi cục Kiểm lâm, chính quyền các địa phương có rừng và các đơn vị chủ rừng phải có câu trả lời xác đáng. Nguyên nhân đã xác định, những vụ cháy rừng vừa qua không phải do khách quan mà đều do con người gây nên. Cụ thể, việc đốt xử lý thực bì rừng trồng sau khai thác gây cháy lan ra khu vực lân cận khá phổ biến. Vụ cháy rừng lớn tại rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa sáng 21-6 vừa qua cũng không ngoại lệ. Riêng vụ cháy này, ngay từ đầu cơ quan chức năng đã xác định cụ thể danh tính thủ phạm. Có điều, tại sao tình trạng xử lý thực bì rừng sau khai thác này không được ngăn chặn hiệu quả. Ai chịu trách nhiệm trước các vụ cháy rừng đã xảy ra?
Phải nói rằng, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng ở Đà Nẵng khá hùng hậu. Ngoài đội ngũ cán bộ, nhân viên kiểm lâm 100 người, còn có các đơn vị chủ rừng, hàng chục hợp đồng bảo vệ rừng và 44 tổ đội xung kích PCCCR của các địa phương với hàng trăm thành viên. Trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu công tác này ngày càng hoàn thiện. Kinh phí PCCCR luôn được ưu tiên, đáp ứng đầy đủ. Thế nhưng, rừng Đà Nẵng không hề bình yên, trái lại hễ nắng lên là cháy. Phải chăng, lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đã không kiểm tra, giám sát, quản lý đến nơi đến chốn tình trạng đốt xử lý thực bì, để người dân đốt tùy tiện vào giai đoạn nắng nóng khốc liệt nhất. Phải chăng việc giáo dục, tuyên truyền về công tác PCCCR trong mọi tầng lớp nhân dân chưa hiệu quả.
Ngăn chặn kịp thời tình trạng cháy rừng ở Đà Nẵng là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Để làm được điều này, không còn cách nào khác đó là cơ quan kiểm lâm, chính quyền các địa phương có rừng triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng. Trong các biện pháp đó, xử lý nghiêm minh theo pháp luật các đối tượng gây cháy rừng và những cán bộ, nhân viên chịu trách nhiệm quản lý những khu rừng bị cháy vô cùng cần thiết. Có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả tình trạng đốt xử lý thực bì tùy tiện như vừa qua, đồng thời mới nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ rừng của lực lượng chức năng.
HOÀI NAM