Từ bao đời nay, gắn bó với biển đã trở thành máu thịt của hàng vạn ngư dân ở các tỉnh, thành ven biển nước ta. Bởi ở đó không chỉ là việc mưu sinh cho cuộc sống, mà còn là tình yêu thiêng liêng đối với vùng biển chủ quyền của Tổ quốc.
Bởi vậy, cho dù có gian nan vất vả, thậm chí là sự thử thách đến khốc liệt về mạng sống của mình, nhưng từ thế hệ này đến thế hệ khác, vượt qua tất cả, lớp lớp ngư dân vẫn kiên cường bám biển.
Về tinh thần, nhất là trong những ngày vừa qua, khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và cho nhiều tàu đe dọa đến sự an toàn khu vực Biển Đông, đe dọa ngư dân nước ta đang hoạt động trên ngư trường truyền thống của mình, ngư dân ta đã nhận được sự động viên, cổ vũ của Đảng, Nhà nước, của đồng bào và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài. Đặc biệt, tại diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng bày tỏ sự cảm phục về tinh thần của hàng vạn ngư dân nước ta trước hành động vô nhân đạo của Trung Quốc, điển hình là vụ đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng cuối tháng 5 vừa qua. Điểm tựa đó càng làm cho ngư dân an tâm, thôi thúc tinh thần quyết tâm vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền.
Về vật chất, Quốc hội cũng đồng tình với nhiều chính sách do Chính phủ hoạch định để hỗ trợ ngư dân và đưa ra quyết định như: dành 16.000 tỷ đồng để trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư; Ngân hàng Nhà nước đưa ra gói hỗ trợ 10.000 tỷ đồng để giúp ngư dân đóng mới tàu thuyền công suất lớn, nhất là tàu vỏ sắt; ban hành nhiều quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho ngư dân hoạt động có hiệu quả.
Những năm qua, Chính phủ cũng đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng các cầu cảng, âu thuyền tại các địa phương và các đảo như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Thọ Quang (Đà Nẵng)… để ngư dân cập bờ, tránh bão. Mới đây, ngày 4-6, khi đi thăm Công ty Đóng tàu Hạ Long (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy) và làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo quyết định sẽ đầu tư 200 triệu USD để đóng thêm 4 chiếc tàu lớn; đồng thời Thủ tướng cũng đồng ý đóng thêm 15 tàu kiểm ngư tầm trung. Như vậy, trong tương lai, với hơn 50 chiếc tàu hiện đại, lực lượng Kiểm ngư hoàn toàn có thể đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân và cứu hộ cứu nạn trên biển...
Ngoài ra, nhiều địa phương ven biển miền Trung như thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa… đã có những chính sách cụ thể giúp ngư dân như: chăm sóc sức khỏe; tạo điều kiện cho con em ngư dân đến trường học tập; đào tạo nghề; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; cho vay ưu đãi đóng tàu bằng nguồn ngân sách địa phương; xây dựng , củng cố các trạm bờ để hướng dẫn khi hoạt động trên biển, khi có bão xảy ra...
Tuy nhiên, còn một vấn đề khác không kém phần quan trọng, để tạo nên sự đồng bộ trong việc hỗ trợ ngư dân bám biển chính là nhiên liệu, vật tư và đầu ra của phẩm.
Có địa phương như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế… đã hình thành các tàu hậu cần như là trạm, kho di động nổi trên biển nhằm cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vật tư cho ngư dân để họ có điều kiện bám biển dài ngày hơn. Việc làm đó hiện vẫn chưa phổ biến mà chủ yếu là ở đầu các bến, cảng cá.
Đặc biệt, việc thu mua, sơ chế hải sản ngay trên vùng biển để ngư dân tiết kiệm được thời gian đi lại, tạo cho họ có lợi nhuận cao trong mỗi chuyến ra khơi khai thác chưa được quan tâm đúng mức.
Bởi cùng với tinh thần yêu biển, tham gia đắc lực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, thì cái lợi ích mà ngư dân nhắm tới là đầu ra của sản phẩm mà họ khai thác được. Tình trạng được mùa mà không có lãi hoặc lỗ sau mỗi lần ra khơi đã diễn đi diễn lại nhiều năm, do việc cung cấp vật tư, nhiên liệu, hay thu mua, chế biến hải sản của ta còn nhiều bất cập, làm cho ngư dân rất lo ngại.
Bài toán này không thể cứ để cho thị trường tự điều phối, cho các địa phương tự lo, mà các bộ, ngành của Trung ương phải vào cuộc, có sự phối hợp đồng bộ để đẩy mạnh công tác thu mua, nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra chuỗi các giá trị gia tăng.
Một khi sản phẩm làm ra có lợi nhuận cao, lại được sự hỗ trợ của nhiều ngành nhiều cấp, sẽ là nhân tố thúc đẩy cho ngư dân yên tâm bám biển.
TUYẾT MINH