Sau khi Bộ Công an ban hành Thông tư số 15/2014/TT-BCA quy định về việc đăng ký xe máy điện, ngay lập tức tạo nên cơn “dư chấn” trong xã hội với chung nỗi lo của người dân là làm sao để đăng ký được phương tiện này?
Chỉ cần lướt qua những quy định trong thông tư này thì có thể nói là cả một “rừng” giấy tờ mà chủ nhân của những chiếc xe máy điện phải trình ra trước cơ quan chức năng để được đăng ký, như chứng từ mua bán xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với xe nhập khẩu), phiếu kiểm tra chất lượng, phiếu xuất kho (đối với xe trong nước).
Thế nhưng, từ những người dân đã mua và sử dụng xe từ nhiều năm nay hoặc những người mua xe ngay trước thời điểm 1-6 (thời điểm quy định sẽ kiểm tra đăng ký với xe máy điện), thậm chí là cả đối với những cửa hàng bán xe máy điện, cũng... bó tay. Nhiều người sốt sắng ngay sau khi biết được Thông tư 15 liền vội đưa xe đến cơ quan chức năng để đăng ký thì tất cả đều bị “dội gáo nước lạnh” vì gần như không có giấy tờ nào của xe, thế là đành đưa xe về đi... chui.
Ngay cả các cửa hàng bán xe máy điện cũng đành chào thua vì lâu nay họ chỉ có các loại giấy tờ như miêu tả về kiểu dáng, đặc điểm kỹ thuật của một lô hàng chứ lấy đâu ra hồ sơ cho từng chiếc một. Chính vì quá nhiều khó khăn và bất cập như vậy mà trong vòng nửa tháng đầu tiên triển khai trên cả nước chưa ghi nhận được trường hợp nào đăng ký và được cấp biển kiểm soát. Và như vậy rõ ràng mục đích của Thông tư 15 đến nay chưa thể đạt được, ngược lại người dân lo lắng, còn chủ các cửa hàng như ngồi trên lửa vì xe đã nhập về mà chẳng bán được chiếc nào.
Chưa hết, việc kiểm tra và xử phạt theo Thông tư 15 này cũng là một khó khăn không nhỏ đối với lực lượng chức năng. Bởi theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, chủ phương tiện giao thông phải từ 16 tuổi trở lên mới xử phạt bằng tiền. Trong khi đại đa số đi xe máy điện hiện nay lại là các em học sinh dưới 16 tuổi. Vì vậy mới có thực tế lực lượng CSGT từ đầu tháng 6 đến nay phải chấp nhận giải pháp “tạm thời” không kiểm tra, còn nếu có kiểm tra thì cũng nhắc nhở chứ chưa thể thực hiện theo tinh thần Thông tư 15 .
Thực ra quy định đăng ký xe máy điện không hoàn toàn mới hoặc là “sáng kiến” của riêng ngành Công an, mà đã có trong Luật Giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2009. Thế nhưng trong suốt 5 năm qua, dường như các cơ quan chức năng bỏ quên nội dung này, để rồi đến khi loại phương tiện này phát triển quá nhanh và gây nên những hệ quả không mong muốn thì mới bắt tay vào việc quản lý bằng việc quy định bắt buộc đăng ký xe máy điện.
Nếu như chúng ta có được một lộ trình quản lý xe máy điện một cách bài bản và khoa học như từ 5 năm trước yêu cầu các nhà nhập khẩu, hoặc các nhà lắp ráp trong nước phải có đầy đủ các loại giấy tờ quy định thì bây giờ một thủ tục hành chính đơn giản là đăng ký biển số xe sẽ không trở nên rối rắm đến độ không thể thực hiện được như vậy. Lỗi này thuộc về ai chưa thấy cơ quan chức năng nào lên tiếng, chỉ có điều người dân thì nơm nớp lo âu mỗi khi đi xe máy điện.
THANH SƠN