Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời phỏng vẫn hãng AP và Reuters tại thủ đô Manila của Philippines ngày 22-5 có sức lay động hàng triệu triệu trái tim người dân Việt Nam.
Bởi lẽ, Thủ tướng đã nói đúng ý dân, nói đúng tình cảm và tâm thế của cả dân tộc từng trải qua 30 năm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.
Thủ tướng đã nói điều cả đất nước suy nghĩ. Điều quan trọng hơn cả, phát biểu cứng rắn của người đứng đầu Chính phủ làm người dân Việt Nam vững tin vào đường lối của Đảng, Nhà nước, rằng chúng ta kiên định chủ trương hòa bình, nhưng không có nghĩa chúng ta sẽ im lặng trước hành động chiếm đoạt trắng trợn, bởi “một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau” và bởi chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.
Bước leo thang của nhà cầm quyền Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm Biển Đông, biến “đường lưỡi bò” thành biên giới, thành “lợi ích cốt lõi” được Bắc Kinh tự dựng lên, ngang nhiên dựng giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với hàng trăm máy bay, tàu chiến hộ tống, dùng vòi rồng, va húc tấn công tàu Việt Nam, làm Biển Đông dậy sóng, dư luận thế giới phê phán...
Nhìn lại lịch sử và phân tích diễn biến mấy năm gần đây trên Biển Đông, có thể thấy Trung Quốc từ lâu nuôi mộng độc chiếm vùng biển quan trọng này. Dã tâm của họ được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn, hành vi ngày càng nguy hiểm, thâm độc, mặc dù luôn bị cộng đồng quốc tế và các nước trong khu vực phản đối và lên án. Cuộc hải chiến bi hùng ở Hoàng Sa vào năm 1974 đã đi qua 40 năm và cuộc hải chiến ở Trường Sa vào năm 1988 đã 26 năm, nhưng trong tâm trí của người dân Việt Nam vẫn không bao giờ bị lãng quên. Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là một phần của Việt Nam, người láng giềng “16 chữ vàng”, “4 tốt” không thể vô cớ xâm phạm.
Vậy thì đằng sau việc dựng giàn khoan Hải Dương-981 là gì?
Theo các tài liệu nghiên cứu, Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới. Nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á, Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê, cứ mỗi ngày có khoảng 150 - 200 tàu các loại qua lại, trong đó có khoảng 50% tàu có trọng tải hơn 5.000 tấn, hơn 10% tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông.
Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Hằng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua vùng biển này. Khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca nhộn nhịp hàng đầu thế giới. Cùng với đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên biển quan trọng cho sự phát triển của các nước trong khu vực, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật (thủy sản), phi sinh vật (dầu khí, khoáng sản). Yếu tố địa - chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế của Biển Đông cũng là sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới.
Hơn nữa, những đảo và quần đảo trên Biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với các nước trong khu vực về phòng thủ, bảo vệ chủ quyền đất nước; đồng thời có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ về chiến lược quân sự đối với các cường quốc trên thế giới. Vì vậy, Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của dư luận thế giới.
Không chỉ tại Philippines, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới lên tiếng về vấn đề Biển Đông, mà tại diễn đàn Hội nghị Cấp cao ASEAN chiều 11-5 ở thủ đô của Myanmar, người đứng đầu Chính phủ đã cảnh báo: “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng”.
Làm sao có “hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải...” khi có một nước hành xử thô bạo, bội tín, nói một đằng làm một nẻo, không xứng với văn minh và đẳng cấp của một nước lớn, đi ngược lại với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)! Trong khi đó, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, tương kính, tôn trọng luật pháp quốc tế, chứ không hề có bất kỳ hành động gây hấn nào với Trung Quốc! Làm sao một người láng giềng có thể đem cọc đến đóng vườn nhà người khác, rồi ngang nhiên nói rằng đó là nhà mình! Hành động đó chẳng phải xâm chiếm trái phép thì là gì?
“Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ”. Phát biểu chí lý của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khiến những ai có suy nghĩ và trách nhiệm đều tán đồng. Nhận thức sâu sắc và quý trọng biết bao yêu cầu hòa bình, ổn định để phát triển, chúng ta càng hết sức tỉnh táo không để mắc mưu kẻ xấu. Chúng ta, bằng biện pháp hòa bình, kiên quyết đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan và chúng ta cũng biết phân biệt đâu là nhà đầu tư chính đáng làm ăn ở nước ta. Không thể vì sự căm giận chuyện xâm lấn ngoài biển mà ở trong đất liền chúng ta có những hành vi thiếu kiềm chế, không văn minh, xâm phạm quyền sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư Trung Quốc đang hoạt động ở nước ta. Chúng ta cần phân biệt rõ, các nhà đầu tư đó không phải đại diện cho việc làm sai trái ở Biển Đông.
Tỉnh táo và kiên quyết. Một môi trường đầu tư tốt cũng chính là điều kiện góp phần tạo sức mạnh cho quốc gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp để buộc những mưu toan thâm độc độc chiếm Biển Đông bị phá sản. Tinh thần ấy, ý chí ấy cần được các tầng lớp nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước noi theo, để cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Cuộc đấu tranh này không phải ngày một ngày hai. Hàng nghìn năm qua đã cho ta cách ứng xử khôn khéo, hiệu quả, ngọn lửa yêu nước truyền từ đời này sang đời khác trong dòng máu con cháu Lạc Hồng, để tất cả cùng cất lên “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Tinh thần ấy sẽ càng tỏa sáng trong thời đại ngày nay.
MAI ĐỨC LỘC