.

Mạnh tay với nạn chạy trường

Đó là thông điệp được đưa ra tại buổi làm việc vào chiều 2-6 do Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ chủ trì với các Ban HĐND thành phố và lãnh đạo ngành giáo dục, cùng đại diện các trường tiểu học: Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh, Phù Đổng (quận Hải Châu), Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), Trường THCS Trưng Vương và lãnh đạo hai địa phương trên.

Theo Nghị quyết HĐND thành phố, năm học 2015-2016, 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Đây là mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học, qua đó giảm tải việc học thêm cho các em. Để thực hiện được mục tiêu này, UBND thành phố đã cấm các trường tiểu học và THCS nói trên từ năm học 2014-2015 nhận học sinh trái tuyến. Các trường chỉ nhận học sinh có hộ khẩu trong tuyến và thật sự sinh sống ở địa phương (tránh trường hợp “chạy hộ khẩu” về nhà người quen để hợp thức hóa).

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là công tác kiểm tra, giám sát việc “chạy hộ khẩu” khó thực hiện được một cách chính xác và khách quan. Bởi lẽ, trước mùa tuyển sinh, giáo viên các trường sẽ tiến hành điều tra phổ cập số lượng trẻ em trên địa bàn mình tuyển sinh. Công tác này hoàn toàn phụ thuộc vào số liệu, báo cáo của tổ trưởng tổ dân phố, chính quyền địa phương. Nếu tổ trưởng tổ dân phố (cả công an khu vực) vị nể, hoặc vì những lý do khác vẫn đưa vào báo cáo số trẻ em “chạy hộ khẩu” sinh sống trên địa bàn (thực tế không sống) để hợp thực hóa việc tuyển sinh thì nhà trường khó biết được đâu là sự thật.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn các phường Thạch Thang, Hải Châu 1, số trẻ em diện “chạy hộ khẩu” rất nhiều. Điều này thể hiện rõ ở kỳ tuyển sinh năm ngoái tại địa bàn Hải Châu 1, có nhiều trường hợp “chạy trường” bằng hộ khẩu (chỉ đăng ký nhưng không sống ở địa phương) vẫn nộp hồ sơ vào học tại các trường tiểu học: Phù Đổng, Phan Thanh và Hoàng Văn Thụ (theo phân tuyến của Phòng GD-ĐT quận Hải Châu) mà Báo Đà Nẵng từng phản ánh.

Nhu cầu cho con em mình được học tại các trường tốt, có cơ sở vật chất đầy đủ, có đội ngũ giáo viên giỏi, ở trung tâm thành phố và gần nơi làm việc của bố mẹ là nhu cầu chính đáng của phụ huynh. Tuy nhiên, nạn “chạy trường” trong những năm gần đây diễn ra ở quận Thanh Khê và đặc biệt ở quận Hải Châu còn mang yếu tố tâm lý đám đông. Bởi phụ huynh chỉ nghe đồn trường này, trường nọ ở địa bàn đó tốt, thế là tìm mọi cách để đưa con mình về đó học, mà không biết rằng bản thân trẻ cũng chịu áp lực lớn trong học tập.

Nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để con mình được về các trường điểm… Hiện tượng này đã và đang gây ra những sức ép tiêu cực lên đời sống xã hội, mà đối tượng chịu tác động trực tiếp chính là nhà trường, phụ huynh và học sinh. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, ảnh hưởng của việc “chạy trường” rất nghiêm trọng, bởi sẽ làm chất lượng giáo dục đi xuống, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của nhiều thế hệ tương lai…

Thực tế đang diễn ra tại các trường điểm trên địa bàn hai quận Thanh Khê và Hải Châu thời gian qua cho thấy, mặc dù ngành giáo dục thành phố và chính quyền các quận đã có nhiều biện pháp hành chính để ngăn chặn tình trạng “chạy trường”, nhưng hiệu quả đạt được cũng chỉ khiêm tốn. Có rất nhiều nguyên nhân như đã đề cập ở trên, trong đó có việc chính hiệu trưởng một số trường cũng phải chịu áp lực khi mỗi mùa tuyển sinh phải dành ra những “suất ngoại giao”…

Để thực hiện mục tiêu dạy 2 buổi/ngày cho 100% học sinh tiểu học, nhất là những trường hiện quá tải, cần có các giải pháp như đầu tư cơ sở vật chất; siết chặt việc tuyển sinh. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là kiên quyết và đi tới chấm dứt nạn “chạy trường” bằng hộ khẩu. Nhà trường cần phối hợp với chính quyền địa phương (có sự tham gia tích cực của công an) siết chặt việc kiểm tra số lượng học sinh thực sự sinh sống trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với những cán bộ, nhân viên và cả những người ở vị trí lãnh đạo, quản lý có hành vi tiếp tay, che giấu tình trạng “chạy trường” bằng hộ khẩu.

Nhằm cụ thể hóa vấn đề này, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã chỉ đạo từ cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố cũng phải làm gương trong việc không có thư tay, không gửi gắm con cháu mình cho ban giám hiệu các trường, đồng thời đưa ra các mức kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.  Trong đó, quy trách nhiệm cụ thể cho các cán bộ lãnh đạo từ cấp quận đến cấp phường, lãnh đạo các trường và cá nhân liên quan với những hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến buộc thôi chức… Có thể nói, đây là lần đầu tiên lãnh đạo thành phố có hành động cương quyết đối với vấn đề học sinh học trái tuyến bằng một Nghị quyết của HĐND và một cuộc họp do đích thân Bí thư Thành ủy chủ trì!

Để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết HĐND thành phố đề ra cho năm học 2015-2016, để chấm dứt nạn “chạy trường”, trả lại môi trường giáo dục lành mạnh, ngoài việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, tăng cường đội ngũ giáo viên, thì ngay từ bây giờ, lãnh đạo, chính quyền các cấp và ngành GD-ĐT cần vào cuộc quyết liệt, thực hiện kiên quyết chỉ đạo của Bí thư Thành ủy.

CHUNG ANH

;
.
.
.
.
.