Hôm nay (27-6), Đại hội lần thứ X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng chính thức tiến hành. Đại hội mở ra một trang mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trên chặng đường phát triển trong vai trò là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
5 năm qua, đồng hành với sự phát triển của thành phố, Mặt trận các cấp đã tạo được nhiều dấu ấn riêng trên nhiều mặt trận: Phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, phát triển hạ tầng và mở rộng không gian đô thị, xây dựng nông thôn mới, thực hiện chính sách an sinh xã hội... đúng như với “định nghĩa” Mặt trận tức là trận nào cũng có mặt.
Mặt trận và các tổ chức thành viên ngày càng đổi mới mạnh mẽ các hình thức tập hợp, đoàn kết, phát triển thêm đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân vào tổ chức. Mặt trận đã lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, phản ánh, kiến nghị với Đảng, chính quyền về những bức xúc, mối quan tâm của người dân. Qua đó, tạo niềm tin, vun đắp, tăng cường khối đại đoàn kết nhân dân thành phố cả về quy mô và chất lượng; góp phần xây dựng mối quan hệ đáng quý và đáng trân trọng ở thành phố Đà Nẵng của chúng ta là “Đảng nói, dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; Chính quyền làm, dân ủng hộ”.
Chính sự đoàn kết, đồng thuận xã hội mà Mặt trận đóng vai trò trung tâm đã tạo động lực to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Về Hòa Xuân nghe vị chức sắc nọ từng nói “Cồn Dầu không cần giàu”(?!) khi thành phố bắt đầu triển khai dự án Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Hôm nay, người nói câu nói ấy phải thừa nhận một thực tế không thể chối cãi rằng: Nếu không giải tỏa, hôm nay không có Cồn Dầu toàn nhà “hai tấm” với đường rộng thênh thang. Không có giải tỏa, Cồn Dầu vẫn mãi là cái “rốn” chiêm trũng ngập lụt gây khổ bao đời người dân nơi đây.
Hơn 10 vạn hộ dân tự nguyện di dời nơi ở để cùng làm nên một kỳ tích thành phố Đà Nẵng hiện đại hôm nay. Từ chủ trương giải tỏa để phát triển hạ tầng cơ sở, mở rộng không gian đô thị mà Đà Nẵng đúc kết được bài học: “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng là được lòng dân, tạo nên sự đồng thuận trong Đảng, chính quyền, Mặt trận và nhân dân”. Bài học này được phát huy trong nhiều chủ trương đột phá khác tạo nên thương hiệu Đà Nẵng với nhiều “cái nhất” trong cả nước. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị với các Chương trình “5 không”, “3 có” đã và đang dần hình thành nên nét văn hóa đặc trưng rất riêng và đầy tính nhân văn của người Đà Nẵng.
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Mặt trận chủ trì phát động đã trở thành tình cảm, ý thức tự nguyện chia sẻ trong mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức. Quỹ vì người nghèo nhận được một đồng cũng phải đến được tận tay người nghèo dưới hình thức “trao cần câu” để họ thoát nghèo bền vững. Năm 2013, lần đầu tiên trong cả nước Đà Nẵng có chương trình Phật giáo với Chương trình an sinh xã hội. Chương trình đã huy động nguồn lực hơn 2,2 tỷ đồng từ tấm lòng của đồng bào phật tử cho các hoạt động tặng nhà Đại đoàn kết, tặng máy chạy thận nhân tạo cho bệnh viện, phương tiện sinh kế cho người nghèo.
Từ Quỹ “Vì người nghèo”, trong 5 năm qua hơn 3.100 hộ nghèo có nơi an cư - nhà Đại đoàn kết để lạc nghiệp thoát nghèo. Nguồn lực Quỹ Vì người nghèo đã góp phần quan trọng đưa thành phố về đích trước hai năm đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 theo chuẩn thành phố. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” không chỉ là nơi các nhà hảo tâm chia sẻ tình cảm, trách nhiệm với người nghèo. Đây còn là một hình thức tập hợp, đoàn kết những người, những tổ chức cùng một mục tiêu “Vì người nghèo” mà Mặt trận là trung tâm. Với tỷ lệ 85% người dân thành phố ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Mặt trận đã góp phần xây dựng ý thức tự cường, lòng tự tôn dân tộc, tính tự hào của người dân trong sản xuất và tiêu dùng hàng Việt.
Đại hội X của Mặt trận thành phố với thông điệp “Đoàn kết-Dân chủ-Đổi mới-Phát triển” được xác định là một thông điệp hành động một cách thiết thực, có kết quả và hiệu quả. Thông điệp khẳng định Mặt trận thành phố sẽ tiếp tục sứ mệnh lịch sử là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sứ mệnh của Mặt trận phải gắn liền với thực hiện mục tiêu, yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn mới: Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung.
Trong 5 năm tới, bối cảnh chung của đất nước và của thành phố, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen lẫn nhau. Đại hội sẽ tập trung trí tuệ để bàn các giải pháp phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao hiệu quả các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Mặt trận cần tỏ rõ thái độ, chính kiến về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội.
Mặt trận phải đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động ở tất cả các cấp theo hướng xuất phát từ cơ sở, vì cơ sở; coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp; mở rộng, tạo điều kiện phát huy lực lượng cán bộ không chuyên trách, cộng tác viên và phát huy vai trò nòng cốt của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong các giới, ở cộng đồng dân cư đóng góp vào công tác Mặt trận.
Người dân kỳ vọng từ Đại hội lần thứ X này, Mặt trận sẽ thực sự là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các giới, các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài. Mặt trận thực sự là trung tâm đoàn kết, đồng thuận xã hội vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố an bình, thân thiện và đáng sống.
ĐOÀN SƠN