Lưu vực sông Vu Gia và Thu Bồn ở phía thượng nguồn có sự chặn dòng xây dựng các hồ chứa để khai thác năng lượng điện. Hiện có 3 hồ chứa nước lớn đưa vào vận hành khai thác như Sông Tranh 2, Đắk Mi 4 và A Vương. Đến quý 4 năm 2014, có thêm hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 đưa vào tích nước.
Đây là những hồ chứa mà mỗi mùa mưa bão luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân và các công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn. Tình trạng xả lũ để bảo vệ an toàn hồ chứa trong mùa mưa đã từng gây ra tình trạng lũ chồng lũ, tần suất và cường độ cao, thời gian diễn ra chóng vánh, khó lường để ứng phó.
Tại thời điểm tháng 10-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1880/QĐ-TTg quy định về quy trình vận hành liên hồ chứa đối với hồ A Vương, Sông Tranh 2 và Đắk Mi 4 trong mùa mưa lũ hằng năm. Theo đó, các chủ hồ quyết định việc đóng và xả lũ. Thế nhưng, năm 2013, khu vực tỉnh Quảng Nam đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của 4 cơn bão lớn, gây mưa to trên diện rộng nên lũ lớn xảy ra gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Tính cả năm 2013, tỉnh Quảng Nam đã có 17 người chết, 230 người bị thương nặng, hơn 92.000 ngôi nhà bị ngập, sập, hư hỏng cùng với 2.400ha lúa, 9.200ha hoa mùa ngập úng và hàng chục nghìn con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng. Riêng tại huyện Đại Lộc, 4 năm qua, việc các thủy điện xả lũ đồng loạt đã gây ra 10 đợt lũ lớn, có đợt mức nước cao 3m, sức nước lớn làm đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 42 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất gần 1.600 MW, cung cấp lượng điện bình quân gần 6,3 tỷ KWh/năm, trong đó có 15 công trình thủy đã phát điện. Từ thực tế vận hành các hồ chứa thủy điện, yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi quy trình vận hành hồ chứa. Góp cùng tiếng nói của tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng cũng là địa phương chịu tác động từ việc xả lũ của các hồ thủy điện nên đã tham gia đầy trách nhiệm, thúc đẩy sự ra đời của quy trình vận hành hồ chứa mới sát với thực tiễn, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn.
Qua 10 lần thay đổi, điều chỉnh, đến ngày 16-6-2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thông qua Quyết định số 909/QĐ-TTg về quy trình vận hành liên hồ chứa ở lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn trong mùa lũ. Quyết định của Chính phủ đã nhận được sự đồng thuận cao của các bên liên quan; Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư dự án thủy điện cũng cam kết thực hiện.
Điểm mới của quy trình vận hành này là Chính phủ giao cho UBND tỉnh Quảng Nam khi có tình huống gây mưa lũ trên địa bàn sẽ là đơn vị quyết định phương thức vận hành hồ chứa, bảo đảm chế độ xả lũ, giảm lũ cho vùng hạ du thay cho chủ hồ chứa và Bộ Công thương. Tỉnh Quảng Nam cũng căn cứ trên dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn chứ không phải là dự báo của phía chủ hồ như 4 năm qua nhằm tránh tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Do đó, quy trình vận hành xả lũ vừa được Chính phủ phê duyệt có tính khả thi cao hơn so với các văn bản quy định trước đây.
Tuy nhiên, việc giao quyền điều tiết xả lũ cho chính quyền địa phương cũng có những lo ngại khi năng lực chuyên môn của đội ngũ làm công tác phòng chống lụt bão còn hạn chế; vì vậy yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn. Tính phối hợp của các cơ quan, đơn vị chưa được thử nghiệm và chưa có kịch bản ứng phó trong thực tiễn. Vai trò của các bộ liên quan cũng rất quan trọng trong việc chỉ đạo các đơn vị thực hiện quy trình này một cách có hiệu quả, trong đó có việc yêu cầu lãnh đạo các nhà máy thủy điện phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các địa phương để kịp thời giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình điều tiết.
Ngoài ra, việc các hồ chứa thủy điện tích nước gây khô hạn vùng hạ lưu cũng gây bức xúc. Do đó, cần sớm xây dựng và ban hành quy trình vận hành hồ chứa trong mùa khô để tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thực hiện triển khai đồng bộ nhằm giảm ngập lũ vào mùa mưa và khắc phục tình trạng thiếu nước vào mùa khô, giải quyết hài hòa các nguồn lợi từ tài nguyên nước.
TRIỆU TÙNG