.

Trung Quốc mưu toan độc chiếm Biển Đông

.

Hơn 45 ngày đã trôi qua kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam. Phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các tàu Trung Quốc uy hiếp, đâm, va, dùng vòi rồng phun nước áp lực cao vào các tàu của Việt Nam hoạt động chấp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trái với hành vi nhân đạo thông thường, tàu Trung Quốc hung hăng, đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân, đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam.

Trung Quốc tự phơi bày hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên. Bằng những hành vi cường quyền, thô bạo, bất chấp sự thật lịch sử, Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền  của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại các thỏa thuận tại các Tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tình hữu nghị láng giềng giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Trung Quốc.

 Độc chiếm Biển Đông là mưu toan, chiến lược nhất quán của Trung Quốc từ nhiều năm nay. Trung Quốc tuyên bố, năm 2020 Trung Quốc sẽ thực sự trở thành một “cường quốc biển hùng mạnh”. Thực tế lịch sử đã minh chứng đường hướng chiến lược nhất quán đó của Trung Quốc. Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam là bước đi và hành động có tính toán, nằm trong chuỗi hành động “gặm nhấm”, “xâm lấn”, “tằm ăn rỗi” mà họ chủ trương và thực thi một cách bài bản, lớp lang.

Năm 1946, ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược, Trung Quốc đã chớp thời cơ chiếm đoạt đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi Tây Sa) và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi Nam Sa)  của Việt Nam. Năm 1956, sau khi miền Bắc Việt Nam vừa được giải phóng, Việt  Nam chia cắt 2 miền, hải quân của chế độ Việt Nam cộng hòa ở miền Nam còn yếu, tranh tối tranh sáng, Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ phần phía đông quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1959, Trung Quốc định “xơi gọn” phần phía tây còn lại của quần đảo Hoàng Sa, nhưng lúc đó quân đội của Việt Nam cộng hòa đã có mặt quản lý các đảo.

Năm 1974, quân và dân Việt Nam đang như thế chẻ tre, tổng tấn công, tổng nổi dậy đánh bại ngụy quyền Sài Gòn, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm phần phía tây quần đảo Hoàng Sa, lúc đó do quân đội Việt Nam cộng hòa quản lý. Ngày 14-3-1988, Trung Quốc lại dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng thời điểm hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong vùng biển Việt Nam, Trung Quốc âm thầm cho xây dựng “căn cứ quân sự tiến công” ở đảo Gạc Ma, mưu tính biến đảo này thành một pháo đài hướng vào các quốc gia trong khu vực, khống chế con đường hàng hải quốc tế đặc biệt quan trọng trên Biển Đông.

Những năm gần đây, mức độ leo thang gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam và các quốc gia trong khu vực ngày càng nghiêm trọng. Năm 2011, Trung Quốc cho tàu cá vào vùng biển Việt Nam, cắt cáp quang tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2, tọa độ chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý. Năm 2012, Trung Quốc gây hấn, bao vây, kiểm soát bãi đá ngầm Scarborough, nơi Philippines tuyên bố có chủ quyền.

Năm 2013, 2014 Trung Quốc tiếp tục leo thang gây căng thẳng xua đuổi ngư dân, đâm tàu cá ngư dân các nước trong khu vực đánh bắt hải sản trong vùng biển mà các nước tuyên bố chủ quyền, mà đỉnh cao là vụ hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam. Với vụ hạ đặt giàn khoan này, hơn 40 ngày nay, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, sử dụng tất cả các kênh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc rút ngay vô điều kiện giàn khoan và các tàu quân sự hộ tống  ra khỏi vùng biển Việt Nam, chấm dứt hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, sau đó 2 bên ngồi vào bàn đàm phán. Trung Quốc không những phớt lờ sự thiện chí của Việt Nam, mà còn hung hăng, ngang ngược hơn, tiếp tục leo thang gây hấn, gây tình hình cực kỳ căng thẳng và  nguy hiểm trên Biển Đông.

Trung Quốc tính toán thâm độc, ra sức tuyên truyền cho nhân dân Trung Quốc tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, rằng lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn chiếm gần trọn Biển Đông. Theo luận thuyết kỳ cục “đường lưỡi bò” 9 đoạn, ngoạm gần trọn Biển Đông, trùm lên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, liếm sát đến vùng biển Philippines và khu vực bãi ngầm Tăng Mẫu, chỉ cách Malaysia 80 km. Bản đồ trong sách giáo khoa Trung Quốc đều lấy “đường lưỡi bò” để phân định ranh giới trên biển. Nhiều năm nay, trong các sách giáo khoa của Trung Quốc dạy cho con trẻ rằng “đường bờ biển của Trung Quốc dài hơn 18.000 km, sở hữu hơn 5.000 đảo lớn bé ở Biển Đông; Biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc”.

Những ngày qua, khi Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, giọng điệu của họ thật hàm hồ. Họ xuyên tạc lịch sử rằng, Hoàng Sa (Tây Sa), Trường Sa (Nam Sa) là lãnh thổ của Trung Quốc từ 2.000 năm trước. Nhưng khi được hỏi về “đường lưỡi bò” 9 đoạn thì họ không sao giải thích được. Khi được hỏi, tại sao các bản đồ của Trung Quốc từ đời nhà Thanh ghi rõ địa giới cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, Trung Quốc ngắc ngứ, đánh trống lảng. Trung Quốc sử dụng mỗi ngày từ 110 đến 115 tàu vũ trang, tàu quân sự, tàu hải giám, tàu hải cảnh bao vây, uy hiếp, gây hấn với Việt Nam nhưng họ lại lu loa vu cáo đổ lỗi cho Việt Nam khiêu khích. Giọng điệu ấy, như nhận xét của nhiều học giả quốc tế  là “không xứng danh nước lớn”, “không đáng mặt anh hùng”!

Chính nghĩa thuộc về Việt Nam. Mỗi lần Tổ quốc có “biến” từ bên ngoài, triệu triệu người con đất Việt trong nước và kiều bào ở nước ngoài kết thành một khối thống nhất. Lòng yêu nước nồng nàn, mãnh liệt tỏa sáng. Hành động quả cảm, kiên cường, sự kiềm chế, khôn khéo, tránh sa vào bẫy xung đột từ Trung Quốc của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên thể hiện cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Hàng ngàn ngư dân miền Trung kiên cường, bất chấp hiểm nguy vẫn dũng cảm ra khơi, có mặt tại vùng biển truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam để đánh bắt hải sản và bảo vệ chủ quyền. Bà con ngư dân đồng lòng đồng sức, đánh bắt ở ngư trường truyền thống của mình không chỉ mưu sinh mà còn là để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tổ quốc và đồng bào cả nước luôn luôn bên cạnh, sát cánh với bà con ngư dân, sát cánh với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên – những người đang đêm ngày bám biển, trụ vững trên vùng  biển cả thiêng liêng của Tổ quốc.

Với chiến lược mưu tính độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo còn lâu dài, không thể ngày một ngày hai. Cả dân tộc cùng một ý chí và hành động hướng về Biển Đông. Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam thực thi pháp luật trên biển theo đúng luật pháp quốc tế, đang làm mọi cách để duy trì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng, bởi chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thành quả ngàn đời nay mà cha ông đã đổ bao xương máu để gìn giữ là tối thượng, không gì có thể đánh đổi.

Chính nghĩa Việt Nam được nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc và  bạn bè khắp năm châu đồng tình ủng hộ. Dư luận tiến bộ, yêu công lý và hòa bình thế giới luôn luôn đồng hành, đứng bên cạnh cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam, được bạn bè thế giới ủng hộ là sức mạnh vô địch, làm thất bại mọi mưu tính  bá quyền, bành trướng, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

PHẠM  QUỐC TOÀN

;
.
.
.
.
.