Tối qua (16-7), 170 hành khách gồm doanh nhân, khách du lịch… Nhật Bản lần đầu tiên đến Đà Nẵng bằng đường bay trực tiếp Narita- Đà Nẵng theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện giữa hai địa phương với sự phối hợp khai thác của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).
Chào đón những hành khách đầu tiên này, không chỉ là các nghi thức thông thường ở sân bay quốc tế Đà Nẵng, mà còn có cả một lễ hội văn hóa - ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản diễn ra sôi nổi trong hai ngày 15 và 16-7, do Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại Nhật Bản và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật tại Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Ngay trong đêm giao lưu văn hóa - ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản (15-7), ông Matsumoto Takafumi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, có một phát biểu rất đáng chú ý. Theo ông, việc đường bay thẳng giữa Đà Nẵng với Narita (Tokyo, Nhật Bản) được chờ đợi từ rất lâu, bởi đây là đường bay thẳng đầu tiên nối giữa Đà Nẵng với Nhật Bản, góp phần quan trọng vào việc mở rộng kết nối không chỉ giữa Đà Nẵng mà cả miền Trung với xứ sở hoa anh đào, giảm thời gian chờ đợi khi quá cảnh Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Incheon (Hàn Quốc). Hẳn nhiên, điều ông Matsumoto Takafumi nói liên quan đến 3 nguyên tắc cần chú ý trong làm ăn nói chung và với khách du lịch nói riêng của người Nhật mà ông cũng nêu ra trong phát biểu của mình. Đó là: cởi mở (thân thiện), sạch sẽ và thời gian (đúng giờ)!
Theo ông, để làm ăn lâu dài, có hiệu quả với người Nhật thì cần phải chú ý 3 nguyên tắc quan trọng và cũng cần có sự kết hợp một cách khéo léo, hài hòa giữa 3 nguyên tắc này với nhau.
Nhìn lại 3 nguyên tắc đó, có điều vừa mừng nhưng cũng vừa lo cho Đà Nẵng. Từ trước đến nay, trong quá trình hợp tác làm ăn cũng như khi đón tiếp du khách, Đà Nẵng luôn giữ được tính thân thiện. Đà Nẵng dần xây dựng được thương hiệu là một thành phố thân thiện với việc kiên quyết trong chống chèo kéo, đeo bám du khách, giảm tình trạng “chặt chém”, nhất là với khách nước ngoài… Tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, cũng góp phần quan trọng vào xây dựng hình ảnh thân thiện của Đà Nẵng.
Tuy nhiên, với nguyên tắc “sạch sẽ” và “đúng giờ”, còn có vấn đề đáng quan tâm. Đã có nhiều nỗ lực, nhất là với việc xây dựng “Thành phố môi trường”, nhưng tiêu chí sạch sẽ ở Đà Nẵng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vẫn còn đó tình trạng môi trường du lịch nhếch nhác, với thói quen xả rác bừa bãi của chúng ta và cả du khách, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố trong mắt du khách và doanh nhân, nhất là với người Nhật. Cùng với đó là nỗi lo “giờ dây thun” do việc tổ chức thiếu chuyên nghiệp cũng như tâm lý không coi trọng giờ giấc của người Việt.
Trong nỗ lực chuyển hướng khai thác thị trường du lịch tiềm năng do sụt giảm lượng du khách Trung Quốc, với việc chú trọng đến thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu…, ngành du lịch thành phố cần quan tâm đến lời nhắc nhở chân tình từ ông Matsumoto Takafumi - người đã làm việc tại Đà Nẵng trong 6 năm qua.
Dĩ nhiên, đây không chỉ là việc của ngành du lịch, mà phải là sự vào cuộc của cả cộng đồng với trách nhiệm lẫn lòng tự trọng từ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân Đà Nẵng. Và, không chỉ riêng ngành du lịch, còn có cả các ngành khác của thành phố cũng cần chú ý đến các nguyên tắc chung của người Nhật này, nhất là trong việc thu hút đầu tư và xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.
Việc mở đường bay thẳng Đà Nẵng - Narita không chỉ là cơ hội cho phát triển du lịch, mà còn là cơ hội cho việc tăng cường hợp tác hữu nghị cũng như làm ăn giữa Đà Nẵng với các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản. Chính vì vậy, những lời khuyên chân thành từ một người bạn Nhật, cần được lắng nghe!
ANH QUÂN