.

Chuyện rác

Theo thống kê, trên địa bàn các quận trung tâm thành phố Đà Nẵng có khoảng 1.500 lô đất trống, lâu nay trở thành nơi đổ rác, phế liệu xây dựng, gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. Đã nhiều lần vấn đề này được đưa ra tại các diễn đàn, hội nghị nhưng đâu lại vào đó, vì chưa tìm ra “giải pháp căn cơ”, như một số ý kiến của các đại biểu HĐND thành phố vừa qua.

Trong một kỳ họp mới đây, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ trưng ra nhiều bức ảnh để chỉ cho lãnh đạo các ngành, các cấp những bằng chứng không thể chối cãi được. Ông nhấn mạnh, không thể người dọn rác thì dọn mãi còn người xả rác thì cứ đổ và đâu là trách nhiệm của các quận, của các hoạt động xã hội…

Sở Tài nguyên-Môi trường cho rằng, trong quý 2-2014 vừa qua tiến hành thống kê phân loại để cùng các quận, huyện có biện pháp xử lý tình trạng đất bỏ hoang, đầy cỏ rác nêu trên. Chưa biết việc này đã tiến hành đến đâu vì chưa thấy đăng tải trên các báo hoặc các văn bản cụ thể nào.

Theo chúng tôi, tình trạng đất bỏ trống tập trung ở ba dạng: Đất đã có chủ nhưng chưa xây dựng (đông nhất và đặc biệt ở các ngã ba, ngã tư các khu phố mới), đất các dự án chưa triển khai (đã có chủ đầu tư và phần lớn được che chắn hoặc cho thuê làm bãi xe) và đất phân lô chưa chuyển quyền sử dụng. Cả ba trường hợp trên, chắc chắn ngành Tài nguyên-Môi trường phải biết rõ tên chủ sở hữu, chủ đầu tư, vị trí, sơ đồ đất. Do vậy, không khó để yêu cầu các chủ sở hữu, chủ đầu tư giữ vệ sinh, đóng phí thu gom rác hoặc chế tài bằng phạt tiền khi vi phạm. Thậm chí, còn có thể thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe.

Nhưng đó là chuyện rác trên đất đã có chủ. Còn rác nơi công cộng thì sao? Trong vài ngày qua, trên vài trang facebook của nhóm “Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp” có nhiều bức ảnh chụp cảnh bã mía bỏ đầy phía đông cầu Rồng giữa thanh thiên bạch nhật. Nhiều ụ rác bỏ ven đường Đà Nẵng-Hội An, đường 14B đoạn qua huyện Hòa Vang, trên các lề đường khác ở quận Hải Châu, Cẩm Lệ… vẫn chưa thấy ai quan tâm dọn dẹp.

Nhưng “rác” trong suy nghĩ nông cạn của con người lại càng đáng lo hơn. Một người bạn sáng qua đã nói như vậy với tôi. Anh ví dụ khá sinh động: Người đi đường sợ bụi, sợ mùi hôi từ cống, từ rác… phải bịt miệng, bịt mũi. Sợ hỏng mắt phải mang kính râm, nhưng không sợ... chết! Bằng chứng là họ sẵn sàng chạy xe máy chở ba hoặc chở cồng kềnh vẫn vượt làn đường quy định hoặc chạy ngược chiều. Tai nạn không giảm có phải vì vậy không?, anh hỏi mà như đã có sẵn câu trả lời. Lại còn hình ảnh này: Nhiều người thản nhiên chạy ngược chiều hàng trăm mét để sang bên phải đường, rất nguy hiểm. Họ vội gì đến nỗi không dừng lại chờ một vài phút để qua đường?

Những hình ảnh, câu chuyện tưởng bình thường, đơn giản đó ở Đà Nẵng nói lên điều gì?

Khi chúng ta đặt mục đích “xanh-sạch-đẹp” để có thành phố đáng sống, khi chúng ta nêu chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ là mục tiêu lớn cho phát triển trong những năm tới, nhưng chúng ta (trong đó có mỗi người dân) chưa hành xử hằng ngày đúng với định hướng đó. Chúng ta mạnh ai nấy sống, tinh thần cộng đồng ngày càng ít đi.

Do vậy, chúng tôi cho rằng, để đạt được những cái đích to lớn như nêu trên, cũng phải bắt đầu từ những chuyện nhỏ, hành vi cụ thể của từng cá nhân. Cần cả sự hướng dẫn, tuyên truyền của các nhà quản lý đô thị và các cơ quan thi hành pháp luật…

NGUYỄN SÔNG HÀN

;
.
.
.
.
.