Trong rất nhiều vấn đề nóng được đưa ra tại các diễn đàn thời gian gần đây và cả kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố khóa VIII này, có chuyện số lao động có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp còn cao.
Theo một lãnh đạo ngành LĐ-TB&XH thành phố, hiện có khoảng 22.000 lao động trên địa bàn không có việc làm, chiếm 4,35% số lao động trong độ tuổi trên địa bàn thành phố. Điều đáng quan tâm, trong số lao động chưa tìm được việc làm, có 145 người có trình độ thạc sĩ, 799 người có trình độ đại học. Đó là chưa tính tới con số hàng ngàn người có trình độ đại học đang làm công nhân tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, những con số trên không phải cao so với tình hình đào tạo và sử dụng lao động trong cả nước. Báo Thanh Niên số ra ngày 2-7-2014 dẫn lời từ TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, nhóm lao động có trình độ cao tiếp tục khó khăn trong tìm kiếm việc làm, có 162.000 người có trình độ đại học trở lên đang thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 4,14%. Đặc biệt, có 21,2% thanh niên trong độ tuổi 20-24 có trình độ đại học trở lên thất nghiệp.
Tình hình kinh tế Đà Nẵng đã có khởi sắc, tuy vậy vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động đầu tư suy giảm, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nên số lao động dôi dư đang ở mức cao. Thêm vào đó, hàng năm, số người đến tuổi lao động nhiều, làm tăng thêm nguồn cung, áp lực tăng số lao động thất nghiệp.
Nhiều ý kiến phân tích số lao động trình độ đại học trở lên thất nghiệp cao do nhiều nguyên nhân, như nền kinh tế chưa đủ mạnh để sử dụng hết lao động sau đào tạo. Trong khi sản xuất còn đình đốn, nhu cầu tuyển dụng ít, mỗi năm Đà Nẵng có khoảng từ 7.000-8.000 sinh viên tốt nghiệp, đó là chưa tính đến số sinh viên từ nhiều địa phương khác đổ về Đà Nẵng tìm kiếm việc làm. Thêm vào đó, cơ cấu đào tạo chưa hợp lý, còn thụ động chạy theo những ngành thời thượng, nên nhiều ngành thừa kỹ sư, cử nhân nhưng không ít ngành tìm không ra người để tuyển. Ví dụ những năm qua, các ngành đào tạo: quản trị kinh doanh, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin thu hút nhiều sinh viên, còn nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội thưa thớt thí sinh đăng ký dự thi.
Chất lượng đào tạo cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Theo một vị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, do đào tạo tràn lan, nên chất lượng đào tạo của sinh viên là vấn đề đáng quan tâm, suy nghĩ. Qua tuyển lao động có trình độ đại học ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số người đạt yêu cầu chỉ chiếm 10% so với số người tham gia dự tuyển…
Có một thực tế được nhiều người quan tâm hơn hết là tình trạng chạy chính sách trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động có trình độ đại học trở lên. Ở Đà Nẵng, có chủ trương không tuyển cán bộ công chức, viên chức đối với những người học các hệ tại chức, thì ngay sau đó, những người trong trường hợp này chạy bằng cách học cao học. Nhiều sinh viên khi tốt nghiệp không có công ăn việc làm cũng tranh thủ học cao học để dễ dàng xin việc làm hơn. Có “cầu” ắt phải có “cung”. Do số người có nhu cầu học cao học nhiều, nên trong những năm gần đây, ở Đà Nẵng, xuất hiện nhiều lớp cao học cho người vừa học vừa làm và những người muốn có bằng cao học.
Khi thành phố thực hiện chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, ưu tiên tiếp nhận những sinh viên có bằng tốt nghiệp khá, giỏi, thì ngay sau đó, tình trạng “giong công, phóng điểm” trong nhiều trường đại học bùng nổ theo. Số lượng sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi tại các trường đại học tăng mạnh những năm gần đây khiến các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng ngỡ ngàng và chẳng biết chọn ai để ưu tiên nữa. Có giảng viên bộc bạch, nhà trường phải làm thế để tạo điều kiện cho sinh viên mình ra trường dễ tìm việc làm. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cũng là một phần làm nên thương hiệu của trường đấy!
Cách đào tạo này đã tạo ra áp lực lớn cho xã hội, chí ít là bố trí việc làm cho số lao động có trình độ cao.
TƯỜNG VY