.

Định vị Đà Nẵng

Suốt dọc dài miền Trung, Đà Nẵng đang nổi lên như một mô hình phát triển đô thị kiểu mẫu, với quy hoạch bài bản, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với các điều kiện phát triển tự nhiên.

Các đô thị quanh vùng, như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, Bình Định… cũng đang được xây dựng và phát triển với nét chấm phá của một chuỗi đô thị du lịch, nhằm phát huy lợi thế biển, lợi thế về du lịch, cũng như dần từng bước gắn liền với phát triển công nghiệp, thương mại. Khu vực này đang có cơ hội rất lớn để phát triển không gian đô thị, khi các dòng vốn đầu tư đang chờ được đổ vào đây. Không chỉ vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị…, mà một nguồn lực khổng lồ đang đổ vào các dự án phát triển công nghiệp, du lịch… miền Trung.

Xét về tổng thể, các địa phương miền Trung có nhiều nét tương đồng, nhưng nếu phân tích chi tiết thì mỗi địa phương có một đặc thù riêng. Do đó, mỗi địa phương có góc nhìn về định hướng phát triển đô thị riêng cho mình, nhưng điểm chung nhất vẫn là hướng biển và lấy lợi thế du lịch làm tâm điểm phát triển.
Đơn cử, lộ trình phát triển đô thị Thừa Thiên-Huế đến năm 2020 là toàn tỉnh lên đô thị loại 1 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cốt lõi của Huế vẫn phát triển đồng đều giữa công nghiệp và dịch vụ du lịch, nhưng linh hồn của cả đô thị Huế chính là Cố đô Huế.

Quảng Nam tuy điều kiện phát triển còn nhiều hạn chế, nhưng chính quyền tỉnh này nhận diện được lợi thế lớn nhất của Quảng Nam chính là bờ biển kéo dài từ Cửa Đại (Hội An) đến Chu Lai (Núi Thành). Và cốt lõi phát triển đô thị Quảng Nam phải gắn liền với hai di sản lớn Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Cũng như Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang có những bước đi trong việc đầu tư và quy hoạch những dự án đô thị ven biển khá quy mô, trong đó Dự án Khu đô thị Vạn Tường đã được triển khai và thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch, hứa hẹn tương lai không xa, đây sẽ là khu đô thị du lịch gắn liền với công nghiệp lọc hóa dầu lớn nhất miền Trung.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức nhiều hội thảo về định hướng quy hoạch phát triển thành phố Quy Nhơn. Mặc dù Quy Nhơn có nhiều hạn chế về không gian ở khu vực trung tâm do quỹ đất khá ít, nhưng với lộ trình mở rộng đô thị ra hướng Bắc dựa trên những tuyến giao thông và các đô thị vệ tinh đã hình thành, thì định hướng phát triển Quy Nhơn hứa hẹn tạo những bước đột phá lớn trong tương lai.

Dưới góc nhìn quy hoạch, việc hình thành một chuỗi đô thị du lịch ven biển miền Trung đòi hỏi phải có thời gian, nhưng ít nhiều đã tạo định hướng cụ thể cho các địa phương miền Trung, qua đó phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trên cơ sở sự liên kết về quy hoạch, để giấc mơ về chuỗi đô thị ven biển sớm hình thành.

Một điều đáng mừng là xét về cả chiến lược lẫn cơ hội phát triển, không gian đô thị miền Trung đang định vị cho Đà Nẵng. Nhắc đến đô thị miền Trung, không thể không lấy thành phố Đà Nẵng làm mô hình kiểu mẫu. Định hướng quy hoạch của thành phố mô phỏng sự liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với các điều kiện phát triển. Về tổng thể, hạ tầng của Đà Nẵng được quy hoạch khá đồng bộ, tạo mối liên kết phát triển khá tốt giữa dịch vụ du lịch và công nghiệp thương mại. Hệ thống hạ tầng được đầu tư nâng cấp đồng bộ không ngoài mục đích phát huy lợi thế biển và du lịch, đưa biển gần khu vực trung tâm, đưa Đà Nẵng phát triển hài hòa hơn, tránh sự tách rời giữa biển và trung tâm đô thị.

Đà Nẵng đang theo đuổi nhiều mục tiêu để phát triển như xây dựng thành phố môi trường, thành phố phát triển bền vững, thành phố đáng sống, thành phố có hàm lượng carbon thấp… Các mục tiêu này được một số tổ chức, đơn vị trong nước và quốc tế tham gia tư vấn hỗ trợ để thực hiện. Trong xu thế phát triển hiện nay và những kinh nghiệm có được trong quá trình đi lên, thành phố Đà Nẵng có cách tiếp cận mới phù hợp hơn trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố. Điều đáng ghi nhận nhất của Đà Nẵng chính là hạ tầng được bố trí khá hài hòa với những điểm nhấn kiến trúc đô thị tổng thể của Đà Nẵng. Điều này không chỉ mang lại cho Đà Nẵng diện mạo khá hiện đại, mà còn phát huy tốt lợi thế để tạo những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, định vị là hạt nhân trong chuỗi đô thị miền Trung.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.