.

Đòn bẩy phát triển ngành thủy sản

Một trong những kiến nghị của thành phố Đà Nẵng tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới đây là đề nghị Trung ương nhanh chóng đầu tư, hoàn thiện Trung tâm nghề cá tại Đà Nẵng, tạo cơ sở vững chắc đưa kinh tế biển không chỉ của Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung phát triển mạnh.

Theo đó, cần tập trung đầu tư Trung tâm nghề cá Đà Nẵng gắn với ngư trường trọng điểm Biển Đông và Hoàng Sa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1 cấp quốc gia; xây dựng khu trú bão và neo đậu tàu thuyền công suất 600CV trở lên. Đây là những kiến nghị hợp lý, tạo đòn bẩy, bởi ngành thủy sản - một trong những ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Đà Nẵng. Tuy nhiên, trên thực tế, khai thác thủy sản của Đà Nẵng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của ngư trường trọng điểm miền Trung và đáp ứng nhu cầu, vị trí quan trọng của một Trung tâm nghề cá khu vực.

Đến nay, Đà Nẵng đã đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá thành trung tâm nghề cá theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Hạ tầng kỹ thuật hậu cần nghề cá khép kín tại Khu Công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang bao gồm Khu tránh trú bão âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang có diện tích mặt nước 58 héc-ta, sức chứa từ 800 đến 1.000 tàu; diện tích trên bờ 24 héc-ta. Đi liền với đó là chợ đầu mối thủy sản, 7 cơ sở đóng sửa tàu thuyền, 15 doanh nghiệp chế biến hải sản hoạt động với công suất 30.000 tấn/năm. Đặc biệt, để khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất 400CV trở lên để vươn khơi đánh bắt xa bờ, thành phố đã vận động ngư dân đóng được 12 tàu, tổng công suất gần 8.000CV, tổng số tiền hỗ trợ theo quy định là 11 tỷ đồng.

Với những chính sách hỗ trợ ngư dân, nên mặc dầu tình hình trên Biển Đông trong hơn hai tháng qua diễn biến phức tạp, ngư trường truyền thống tại Hoàng Sa bị ảnh hưởng tiêu cực do sự ngang ngược, hung hăng của tàu Trung Quốc nhưng ngư dân Đà Nẵng rất quyết tâm bám biển, giữ vững ngư trường, tham gia bảo vệ chủ quyền. Tín hiệu vui là tổng sản lượng đánh bắt của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt gần 23.000 tấn, bằng 65% kế hoạch năm, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Trước những khó khăn của ngành đánh bắt hải sản, đặc biệt là diễn biến phức tạp trên Biển Đông, ngư dân cả nước vui mừng vì Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế biển, nhất là làm thế nào để tiếp cận nhanh nguồn vốn tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng của Chính phủ và gói gỗ trợ phát triển đánh bắt thủy sản 16.000 tỷ đồng vừa được Quốc hội thông qua. Vấn đề mấu chốt hiện nay là làm thế nào giảm thời gian giải quyết các hồ sơ, thủ tục vay vốn ưu đãi theo hướng gọn nhẹ, đơn giản để ngư dân nhanh chóng tiếp cận vốn. Bên cạnh đó, việc định hướng đóng tàu vỏ sắt hay vỏ gỗ công suất lớn cũng rất cần có sự tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và có sự lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chính ngư dân để có thể mang lại hiệu quả cao nhất khi những chính sách đi kèm vốn triển khai trên thực tế.

Có thể thấy, bài toán về nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ ngành thủy sản đi đôi với các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển cần phải được triển khai đồng bộ, vì đây là hai yếu tố có quan hệ mật thiết, góp phần phát triển lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy sản và giải quyết đầu ra cho sản phẩm với giá cả ổn định hơn. Qua đó, giúp ngư dân giảm bớt thiệt thòi sau những ngày vất vả trên biển. Tin rằng, những kiến nghị của địa phương và trăn trở của ngư dân sẽ được giải quyết sớm..

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.