Bức tranh kinh tế của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2014 có những gam màu sáng với các chỉ tiêu cơ bản tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm có những giải pháp hiệu quả, tạo tiền đề phát triển bền vững hơn trong giai đoạn đến.
Thảo luận tại kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố (khóa VIII), vấn đề được đại biểu HĐND thành phố tập trung thảo luận là làm thế nào đẩy mạnh thu hút hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, mời gọi những tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư vào Đà Nẵng như một bài toán đang chờ lời giải. So với các địa phương khác, Đà Nẵng vẫn chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tên tuổi, tạo đột phá bằng chính sản phẩm gắn với thương hiệu, bản sắc của thành phố bên sông Hàn.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn 7.326 tỷ đồng. Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục chú trọng, tuy nhiên kết quả thu hút đạt thấp. 6 tháng qua, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 98,97 triệu USD và 9 dự án tăng vốn, tổng vốn tăng thêm 12,31 triệu USD. Cho đến nay, Đà Nẵng thu hút 289 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 3,37 tỷ USD.
Những trở ngại khiến công tác thu hút đầu tư của Đà Nẵng, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa đạt như mong muốn có những lý do khách quan lẫn chủ quan. Trước hết, thị trường Đà Nẵng chưa đủ lớn với quy mô dân số khoảng 1 triệu người, do vậy sức mua vẫn chưa thực sự mạnh. Bên cạnh đó, thành phố thiếu những ngành công nghiệp phụ trợ để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của những nhà đầu tư lớn. Trong khi đó, nguồn lao động được đào tạo trình độ cao có nhưng chưa nhiều, chưa đa dạng ở những lĩnh vực khác nhau, đặc biệt ở lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ thông tin, quản lý các khu nghỉ mát đẳng cấp... Một yếu tố nữa, theo phản ánh của các doanh nghiệp, chi phí vận chuyển và dịch vụ vẫn còn cao. Về chủ quan, có thể thấy công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của thành phố trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu đặt ra.
Để thu hút đầu tư hiệu quả, vấn đề cần được quan tâm đẩy mạnh là thu hút, xúc tiến ngay tại chỗ. Tức là tìm nhà đầu tư đã đầu tư vào Việt Nam và lựa chọn Đà Nẵng để tiếp tục phát triển các cơ sở sản xuất, trong đó có sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ. Cũng có thể thu hút theo hình thức hỗ trợ doanh nghiệp thành phố liên doanh, liên kết với các đối tác lớn trong và ngoài nước cùng hợp tác sản xuất, đôi bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài, yếu tố quan trọng là cần phải thực hiện tốt, hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư trực tiếp ở nước ngoài theo kiểu “mang chuông đi đánh xứ người”. Đây là việc làm không mới nhưng quan trọng là cần rà soát chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến để có những điều chỉnh phù hợp. Song song đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về thủ tục thuê đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng và cấp phép đánh giá tác động môi trường đi liền với công tác chăm sóc sau đầu tư để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư...
Đối với các doanh nghiệp được thành phố hỗ trợ tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh cần chủ động tìm kiếm các thị trường mới, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài làm đối tác, hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh. Thực tế hiện nay vẫn còn doanh nghiệp chưa tự thân vận động, vẫn giữ thái độ trông chờ, ỷ lại vào các chính sách kích cầu, kêu gọi đầu tư của thành phố.
Như vậy, để giải bài toán thu hút đầu tư, cần thực hiện đồng bộ các chính sách cũng như có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
DIỆU MINH