Thông tin về các nhà đầu tư như Công ty CP Dây và Cáp điện Tân Cường Thành, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai… đề xuất trả bớt đất dự án cho thành phố Đà Nẵng đã có dư luận chỉ trích, hoan hỉ khi nhà đầu tư buông tay, thả dự án vì… kinh doanh thua lỗ.
Luồng dư luận khác cũng cay nghiệt khi quy chụp chính quyền thành phố bức bách với khoản nợ tiền chuyển quyền sử dụng đất mà mạnh tay thu hồi đất dự án của nhà đầu tư. Tuy nhiên, bản chất của vấn đề ở đây là thời kỳ nhà đầu tư tái cơ cấu lại chiến lược đầu tư phát triển và chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng thực hiện việc rà soát quỹ đất, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng kế hoạch sử dụng đất khi Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1-7-2014.
Khi nhà đầu tư trả lại đất dự án là tín hiệu tích cực để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Doanh nghiệp (DN) trả lại đất là hoạt động bình thường, bởi nhiều năm qua, ở Đà Nẵng, một số DN đã trả lại đất dự án khu đô thị mới, khu dân cư. Điều này tạo điều kiện cho chính quyền thành phố khai thác quỹ đất sạch, có đủ hạ tầng giải quyết đất ở tái định cư cho hộ giải tỏa. Nhờ vậy, áp lực về nợ đất tái định cư ở thành phố đang được giảm dần.
Nên vui khi DN chủ động trả lại đất dự án, chính quyền địa phương chủ động thu hồi đất để xây dựng lại kế hoạch sử dụng, bớt rủi ro quy hoạch, nhất là các dự án phát triển khu đô thị. Các hành động trên hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh khủng hoảng thừa nhà đất hiện nay. Việc trả lại đất dự án tại Đà Nẵng không phải khởi đầu bằng Tân Cường Thành, Quốc Cường Gia Lai mà đã diễn ra đối với nhiều DN trước đó. Việc này ai cũng nhìn ra, đây còn là dấu hiệu khá rõ nét của cuộc khủng hoảng thừa dự án đô thị tại thành phố.
Qua rà soát các dự án đầu tư khu du lịch ven biển, hiện có 29 dự án chậm triển khai (8 dự án FDI và 21 dự án đầu tư trong nước). UBND thành phố đã làm việc với tất cả chủ đầu tư các dự án này, yêu cầu cam kết lộ trình triển khai dự án, chậm nhất đến hết quý 2-2015 phải khởi công xây dựng. Nếu không, UBND thành phố sẽ báo cáo xin chủ trương HĐND thành phố. Trong số 29 dự án kể trên, có 16 dự án đã ký cam kết với UBND thành phố về lộ trình triển khai. Đối với 13 dự án còn lại đã làm cam kết nhưng chưa chính thức ký, trong đó có 2 dự án đang xem xét, điều chỉnh quy hoạch; 11 dự án UBND thành phố đã có kế hoạch mời các chủ đầu tư trong tháng 7 ký cam kết chính thức, chậm nhất đến hết tháng 6-2015 không triển khai cũng sẽ bị thu hồi.
Luật Đất đai sửa đổi năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 quy định nhà đầu tư bỏ hoang đất phải nộp thuế lũy tiến. Sau 24 tháng nếu vẫn không đưa đất vào sử dụng, Nhà nước thu hồi mà không bồi thường. Trước khi được giao đất, cho thuê đất, chủ đầu tư phải ký quỹ. Đây có thể xem như điều kiện để chứng minh năng lực tài chính, nhằm bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án. Những quy định của Luật Đất đai hiển nhiên có tác động đến nhà đầu tư khi chính quyền địa phương sẽ “thu hồi những diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích”.
Cách ứng xử đối với các dự án chậm triển khai ở Đà Nẵng cho thấy, chính quyền địa phương đã cố gắng hết sức để bảo đảm tính ổn định của môi trường đầu tư. Đây là những động thái tốt, giúp DN giảm bớt áp lực tài chính, trong khi chính quyền cũng có thể lựa chọn nhà đầu tư mới phù hợp để triển khai dự án, tránh tình trạng dự án treo, gây lãng phí tài nguyên đất.
TRIỆU TÙNG