Đúng một ngày sau khi lực lượng CSGT cả nước ra quân kiểm tra mũ bảo hiểm (MBH) thì người dân nhận được tin vui do Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói rằng chỉ xử phạt hành vi không đội MBH, đội MBH nhưng không cài quai mũ. Người đội MBH kém chất lượng chỉ bị nhắc nhở.
Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 16 (mở rộng) hôm 1-7, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ cũng yêu cầu Sở Công thương kiểm tra, xử lý MBH kém chất lượng tận gốc, không để tình trạng MBH kém chất lượng tràn lan trên thị trường; các lực lượng chức năng thành phố chưa xử phạt người dân sử dụng MBH kém chất lượng.
Nghe điều này, người dân thở phào như trút được gánh nặng. Có người dân nào muốn mua MBH dỏm để rồi tự rước họa vào thân?! Nhưng khổ nỗi, ngay như các cơ quan chức năng, khi đi kiểm tra cũng phải “mướt mồ hôi” cho dù có thiết bị chuyên dụng kiểm tra độ xuyên thấu, độ hấp thụ xung lực, độ dày của lớp giảm xung chấn..., huống hồ chi người dân. Nói chung là rất phức tạp. Đó là chưa kể, mấy ai hiểu được tem CR hay QR dán trên vỏ mũ là chi? Tất cả đều như một bài tính đố khó giải thích nổi!
“Không xử phạt người đội MBH kém chất lượng” khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện “người tiêu dùng thông thái”. Đó là đến “Tháng hành động vì vệ sinh an toàn thực phẩm” thì đi đâu cũng nghe kêu gọi, mỗi người dân hãy là một “người tiêu dùng thông thái” để tránh mua, sử dụng thực phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cũng giống như việc đi mua chiếc MBH, làm sao người dân có đủ sự “thông thái” để chọn mua được mặt hàng bảo đảm an toàn thực phẩm?
Ngay các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng “kêu trời” vì không dễ gì xác định được ngay là thực phẩm đó có đạt tiêu chuẩn chất lượng hay không. Cho đến nay, “vũ khí” mà các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm có trong tay để chứng minh ngay tại chỗ là que thử hàn the với mặt hàng bánh phở, còn lại hầu hết vẫn phải mang về phòng thí nghiệm. Thậm chí, có một số xét nghiệm cao cấp như truy tìm gốc tích kim loại nặng trong thực phẩm thì nhiều tỉnh, thành phải gửi về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và phải chờ gần cả tuần mới có kết quả.
Vậy thì người dân phải “thông thái” đến cỡ nào để trong một lần đi chợ, chọn mua được thực phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn; chọn mua được chiếc MBH đạt chuẩn? Cả hai câu chuyện vừa nêu, người dân khó làm được người “thông thái”!
Từ câu chuyện “người tiêu dùng thông thái” và “không xử phạt người đội MBH kém chất lượng” đã phát đi tín hiệu vui là các cơ quan chức năng không thoái thác trách nhiệm của mình mà đẩy phần khó về cho người dân. Cốt lõi của vấn đề là kiểm tra, xử phạt ngay từ khâu sản xuất, kinh doanh chứ không phải là ở khâu cuối cùng xử phạt người dân.
Thanh Sơn