.

Nút thắt nhỏ rối cả sợi dây

.

Công tác giải phóng mặt bằng ở từng dự án đều có những khó khăn riêng nhưng đối với dự án nút giao thông ngã ba Huế lại có những “nút thắt” làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Địa bàn giải tỏa mỗi quận còn vướng vài hộ nhưng xuất hiện tâm lý “ưng” gặp lãnh đạo thành phố để giải quyết.

Tại dự án, hộ gia đình ông Hồ Ngọc Quang và bà Nguyễn Thị Lự ở nhà số 8 đường Tôn Đức Thắng có diện tích 113,1m2. Đây là vị trí quan trọng cần thực hiện giải tỏa, thu hồi đất để thi công dự án. Thế nhưng, đơn vị thi công buộc phải nằm chờ vì vướng mặt bằng. Nguyên nhân, do đất và nhà ở của ông Quang, bà Lự bỗng dưng bị người khác đứng quyền sử dụng, mất nhà mà không hay biết.

Qua kiểm tra hồ sơ nhà đất, có thể hiện ông Quang và bà Lự đã lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho ông Thái Quang Chương. Theo đó, ông Thái Quang Chương được đứng tên hồ sơ giải tỏa. Vụ việc được cơ quan Công an quận Liên Chiểu vào cuộc điều tra và phát hiện đã có sự giả mạo hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất không hợp pháp. Các cơ quan chức năng cần có đơn khiếu nại từ gia đình ông Quang và bà Lự để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhưng gia đình ông Quang không làm đơn tố giác lừa đảo dẫn đến việc cơ quan chức năng không thể xử lý. Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương đề xuất tạm giữ kinh phí đền bù để thực hiện đền bù cho chính chủ có quyền sử dụng đất hợp pháp là hộ ông Quang, bà Lự nhưng gia đình vẫn thờ ơ với hướng giải quyết thấu tình đạt lý này.

Một số trường hợp hộ giải tỏa ở địa bàn phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê kiến nghị hỗ trợ thêm do ngừng kinh doanh, bố trí lại vị trí đất tái định cư. Mặc dù được Hội đồng giải phóng mặt bằng quận Thanh Khê đã thuận theo hộ giải tỏa về phương án đổi vị trí tái định cư nhưng vẫn chưa bàn giao mặt bằng. Theo phản ánh của Ban giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng thành phố, quận Thanh Khê có 103 hồ sơ giải tỏa và đã có 81 trường hợp bàn giao mặt bằng. Quận Liên Chiểu có 101 hồ sơ giải tỏa, có 85 trường hợp bàn giao mặt bằng. Ở hai địa phương số hộ chưa bàn giao mặt bằng không nhiều nhưng đây là những nút thắt nhỏ làm rối cả sợi dây. Tình trạng bàn giao mặt bằng theo kiểu cài răng lược làm cho công tác thi công dự án gặp nhiều khó khăn. Khác với Thanh Khê, Liên Chiểu, 100% hộ giải tỏa ở quận Cẩm Lệ đã bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư và hiện nhiều hộ gia đình đã xây dựng nhà ở mới, phấn khởi ổn định cuộc sống.

Theo kế hoạch, địa bàn quận Liên Chiểu phải hoàn thành trước ngày 30-5, quận Thanh Khê trước ngày 30-6. Thế nhưng, vài nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng đã làm cho các địa phương… bó tay và đề xuất Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp thực hiện công tác tiếp dân. Qua kết quả tiếp dân của Chủ tịch UBND thành phố, không có thay đổi nhiều về các phương án giải quyết của các hội đồng giải phóng mặt bằng tại các quận. Hiện nay, hộ giải tỏa nảy sinh dạng tâm lý đám đông “ưng gặp” người đứng đầu chính quyền để giải quyết kiến nghị của mình. Tâm lý này kéo theo hành động cù cưa chậm bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Thiết nghĩ, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể cần bám sát cơ sở hơn nữa để làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động; đơn vị làm công tác đền bù giải tỏa cần ý thức trách nhiệm hơn trong khâu kiểm định áp giá trị đền bù, tránh tình trạng nguyên tắc hóa hành chính mà không đến từng ngõ, gõ từng nhà để xác minh, thẩm định hồ sơ. Theo phản ánh của hộ giải tỏa, tình trạng lèm nhèm khi giải quyết chủ trương bổ sung phần diện tích giải tỏa thi công mở rộng đường theo dự án quốc lộ 1A cũ rất thiếu minh bạch. Do đó, việc đề xuất hỗ trợ, bố trí tái định cư thực sự đúng đối tượng, công khai hơn nữa để giải tỏa tâm lý “ưng” gặp lãnh đạo trong nhân dân.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.