Đà Nẵng từng tổ chức các cuộc thi làm quà lưu niệm để bán cho khách du lịch, như những đặc sản văn hóa mang tính địa phương. Nhưng tôi thấy dường như người ta thường nghĩ đến những điều to tát. Thật ra, khi bạn ra nước ngoài, suy nghĩ như vậy thật xa lạ bởi người ta không làm như mình. Quà lưu niệm cho du khách đôi khi rất đơn giản, nhưng lại đầy ý nghĩa…
Trên phố Wall của thành phố New York (Mỹ), những con trâu vàng chỉ bán với giá vài USD, một bức tranh vẽ lại Nữ thần tự do và cảng New York, không có khung kính, chỉ bán với giá 1 USD lại được du khách chọn khá đông. Trên các khu phố của Sydney (Úc), người ta bán cho du khách những tấm nhựa lót ly (cốc) trên bàn có in hình con Kangaroo tiền sử chỉ với giá 50 cents. Ở Malaysia, hay Bangkok là những chiếc đĩa in hình tháp đôi của hãng dầu khí tại Kuala Lampur hay chiếc vòng bạc, dây đeo tay ở các chùa… giá cũng rất rẻ, lại thích hợp cho du khách vì gọn nhẹ. Vừa qua, ở bang Texas, tôi chỉ mua một cái đĩa bằng đồng in hình ngôi sao của một sherif (cảnh sát) từng thấy trong các phim cao bồi viễn tây và dòng chữ “The State of Texas” đơn giản, cũng cảm thấy vui vì mang về được một kỷ niệm với giá vài đô-la. Ở Vạn lý trường thành, gần Bắc kinh, người ta chỉ bán một phù điêu di tích này thôi, kèm theo ngày tháng bạn lên đó, với giá vài chục nhân dân tệ, nhưng tôi thấy những người đi cùng đoàn với tôi ai cũng mua để làm kỷ niệm.
Lại còn có chuyện khác ở ngôi chùa cổ hơn ngàn năm mang tên Yonggungsa (gần sân bay Incheon, Hàn Quốc). Khách đến thăm chùa không phải mua bất cứ thứ gì mang về. Nhưng các tín đồ có thể trả tiền để lấy một viên ngói âm dương, tự ghi vào đó tên tuổi và cảm tưởng của mình - chỉ khoảng 50.000 đồng Việt Nam - và để lại dưới gốc cây zelkova có đến 1.300 năm tuổi. Những viên ngói đó sẽ góp phần trùng tu ngôi chùa này khi bị hư hại. Viên ngói từ đất nung ấy sẽ mang tên bạn và ở lại một nơi thiêng liêng này, một tín đồ phật giáo nào mà không làm được…
Từ những ví dụ trên, tôi đang nghĩ đến những món quà du lịch mà Đà Nẵng có thể làm, nhỏ thôi, vừa đủ cho du khách bỏ ba lô mang về với vài chục ngàn đồng. Chẳng hạn chiếc áo T-shirt in hình cầu Rồng, tượng mẹ Âu Cơ ở công viên Phạm Văn Đồng, bản đồ Việt Nam (Đà Nẵng) gắn liền với Hoàng Sa… hay tượng Phật bà Quan Âm ở làng đá Ngũ Hành Sơn thu nhỏ, độ vài trăm gram, những bức thảm treo tường bằng sợi xơ dừa, bằng lụa tơ tằm in hình những tàu chiến Pháp, Y Pha Nho vào Đà Nẵng hồi 1858-1860, hay in những nông dân khiêng kiệu cho du khách lên Bà Nà thế kỷ 19… Rồi những chiếc nón lá, những gạt tàn thuốc bằng gốm nung với tên Đà Nẵng và vài hình ảnh của bãi biển, của đồng lúa...
Giá rẻ nhưng lại bán được với số lượng nhiều là điều cần nghĩ tới, hơn là bán ít mà giá cao. Điều này phù hợp với khuynh hướng khai thác du khách nội địa, du khách ba lô đến các tỉnh miền Trung hiện nay. Đừng nghĩ đến những vật lưu niệm giá trị cao để có lãi lớn mà lầm. Người Tàu Chợ Lớn, bán mỗi mét vải chỉ lời vài đồng nhưng một ngày họ bán mấy vạn mét nên họ giàu, còn mấy hiệu buôn Việt ở chợ Soái Kình Lâm gần đó, mỗi mét phải lãi mấy trăm, thành ra chỉ mãi là anh… hàng xén.
Lại nữa, tuy giá rẻ nhưng những vật lưu niệm nhỏ ấy lại mang những ý nghĩa văn hóa, lịch sử đặc trưng của một vùng đất như Đà Nẵng ra năm châu bốn biển, thì còn gì hơn. Nhỏ tiền mà giá trị văn hóa lớn, cũng là một khuynh hướng của hàng lưu niệm trong du lịch vậy!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG