Báo Đà Nẵng liên tiếp những số gần đây đề cập tình trạng tài nguyên rừng và khoáng sản bị “rút ruột” hết sức nghiêm trọng. Cụ thể, số ra ngày 15-7 có bài “S.O.S! Rừng bị tàn phá”, nêu thực trạng lâm sản tại các cánh rừng nguyên sinh phía tây thành phố bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc; số ra ngày 17-7, bài “Chở đi đâu?” phản ánh việc đào bới đất đồi có chứa cao lanh tại Khu Công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn xã Hòa Liên và tại thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), chở đi nơi khác tiêu thụ số lượng lớn.
Có thể nói, vì mưu lợi riêng, không ít đối tượng bất chấp quy định về quản lý rừng và khoáng sản, bất chấp hậu quả khôn lường sẽ giáng xuống đời sống cộng đồng, đã gia tăng sự tàn phá với nhiều thủ đoạn. Việc cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ 6 ô-tô tải lớn chở đất có chứa cao lanh vào đêm 15-7 vừa qua, báo hiệu kiểu tàn phá tài nguyên khoáng sản này đang diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn một số xã miền núi của thành phố. Không ai biết chính xác, đất có chứa cao lanh đã bị khai thác chở đi trót lọt là bao nhiêu, song việc phát hiện bắt giữ 6 ô-tô đang trên đường vận chuyển, tài nguyên này vẫn còn cơ may được bảo vệ. Còn lâm sản, bảo vệ an toàn hẳn còn xa vời, bởi rất nhiều lần cơ quan chức năng phát hiện rừng bị tàn phá, song ít khi bắt giữ được thủ phạm.
Vì đâu tài nguyên rừng và khoáng sản liên tục bị tàn phá, mặc dù luôn được bảo vệ? Hẳn rằng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương biết rõ hơn ai hết. Vẫn biết, bảo vệ rừng là công việc vô cùng khó khăn phức tạp, gian nan và nguy hiểm, lâm tặc lắm thủ đoạn, song ai cũng biết rằng, khai thác, vận chuyển được gỗ lậu từ rừng về xuôi là điều không hề đơn giản. Trong khi lực lượng bảo vệ rừng đông đảo, trên các tuyến giao thông thủy và bộ đều có trạm kiểm soát lâm sản, thế nhưng lâm tặc vẫn vận chuyển gỗ về xuôi trót lọt. Sử dụng phương tiện cơ giới đào bới đất đồi, từng đoàn ô-tô loại lớn tham gia chở khoáng sản thì không dễ gì che giấu được cơ quan chức năng, thế mà hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra.
Nói về cuộc chiến bảo vệ rừng hiện nay, công luận đã không ít lần lên tiếng và cho rằng, đây là cuộc rượt đuổi không hồi kết và người thua cuộc luôn là lực lượng bảo vệ rừng. Bởi, biết bao cây gỗ to tại những cánh rừng nguyên sinh chỉ trơ lại gốc, gỗ đã chuyển đi hết, mà từ trước đến nay chưa lâm tặc nào bị bắt giữ. Có chăng, lực lượng chức năng trong những lần tuần tra, truy quét chỉ tiến hành tịch thu gỗ mà lâm tặc chưa kịp chuyển đi.
Còn về tài nguyên khoáng sản, từ trước đến nay, lĩnh vực này bị xâm hại không ít. Thế nhưng, thử hỏi đã có vụ việc nào bị xử lý? Liệu rồi, sau vụ 6 ô-tô chở đất có chứa cao lanh bị bắt giữ, những cán bộ tại dự án xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung ở Hòa Liên có chịu trách nhiệm, hay mọi việc sẽ êm xuôi và nhanh chóng rơi vào quên lãng? Cần phải quy trách nhiệm rõ ràng, cụ thể trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên rừng và khoáng sản trên địa bàn Đà Nẵng. Không lẽ, rừng bị tàn phá tan hoang, đất đồi có chứa cao lanh bị đào bới chở đi tiêu thụ, những người có trách nhiệm quản lý lại vô can?
Cũng cần nói thêm, hiện đang tồn tại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng. Đó là cơ quan kiểm lâm được cấp sổ đỏ về quản lý đất rừng trong vai trò chủ rừng, như Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu và Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn. Trong khi, chính lực lượng này thực thi việc quản lý Nhà nước trên lĩnh vực rừng. Liệu ai xử lý ai trong trường hợp này? Đó là chưa nói, hình thành hai Hạt kiểm lâm tại hai địa phương này không hợp lý, khi mà diện tích rừng tại đây không nhiều. Hiện tại, cả hai địa phương chỉ khoảng 4.000ha, ở khu vực không giàu tài nguyên, dễ quản lý, thế nhưng có tới 25 cán bộ, nhân viên kiểm lâm trấn giữ. Trong khi, ở phía tây thành phố, diện tích rừng hơn 50.000ha, cũng chỉ hơn 40 cán bộ, nhân viên của Hạt Kiểm lâm Hòa Vang và Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đảm nhiệm.
Bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách và cần thiết ở Đà Nẵng hiện nay. Bởi, bảo vệ không đến nơi đến chốn, không chỉ tài nguyên rừng bị xâm hại mà môi trường sinh thái bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng, nguồn nước đáp ứng đời sống, sản xuất vùng hạ du sẽ cạn kiệt và thiên tai lũ lụt sẽ vô cùng tàn khốc. Hậu quả không còn ở phía trước mà đã và đang diễn ra từ hàng chục năm qua, nên việc bảo vệ môi trường thiên nhiên, trong đó có rừng và tài nguyên khoáng sản cần phải làm ngay và làm cho có hiệu quả!
NGUYỄN CẦU