.

Tri ân bằng cả tấm lòng

“Tháng bảy này áp mặt xuống dòng sông/ Nghĩa trang dưới kia bia mộ xếp hàng dài ra bể…”. Những câu thơ viết về những nghĩa trang dưới dòng sông Thạch Hãn, một Thạch Hãn bừng bừng lửa, làm tôi rưng rưng khi nghĩ đến biết bao người đã nằm lại trên dải đất hình chữ S này qua hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Tháng 7 là tháng của sự tri ân; tháng của đạo lý uống nước nhớ nguồn; tháng của những chuyến “về nguồn” và những ngọn nến được thắp lên ở các nghĩa trang liệt sĩ, nhắc nhở thế hệ trẻ về một thời hoa lửa, cả về những người đã hy sinh ở thời bình trong công việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Gần 40 năm sau chiến tranh, công tác đền ơn đáp nghĩa đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam và là một trong những chính sách trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta. Chẳng nơi đâu như đất nước Việt Nam và khúc ruột miền Trung này lại có nhiều người mẹ bao lần tiễn con đi và bao lần khóc thầm lặng lẽ đến thế. Hòa bình hôm nay phải được đổi bằng máu xương của biết bao người. Đằng sau niềm tự hào vì được góp phần mang lại hòa bình, độc lập cho một đất nước từng trải qua hai cuộc chiến tranh là nỗi đau, là sự mất mát không gì bù đắp hết được. Hiểu sâu sắc điều đó, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã và đang chung tay chăm lo cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), các gia đình chính sách; và hơn hết, việc chăm lo này xuất phát từ sự tri ân - tri ân bằng cả tấm lòng.  

Hơn 700/818 căn nhà chính sách trên địa bàn thành phố đã được hoàn tất việc sửa chữa hoặc xây mới trong năm 2014 là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo, các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và toàn thể người dân Đà Nẵng. Đề án hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở trên địa bàn thành phố đã và đang làm ấm lòng nhiều gia đình chính sách. Càng ý nghĩa hơn khi những căn nhà tình nghĩa được bàn giao đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) năm nay. Niềm xúc động trào dâng trong bà Trương Thị Hạnh (64 tuổi, tổ 8, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) - vợ của cố Anh hùng LLVTND Lê Minh Trung; bà Phạm Thị Tuyền- vợ liệt sĩ (tổ 33, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn); bà Nguyễn Thị Kế (80 tuổi, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) - vợ liệt sĩ và nhiều gia đình khác, không chỉ vì các hộ giờ đây được ở trong những căn nhà khang trang hơn, đủ đầy hơn, mà còn vì cảm nhận rằng xã hội luôn ghi nhớ, trân trọng những đóng góp, hy sinh để mang lại độc lập, tự do cho nước nhà.

Việc phụng dưỡng Bà mẹ VNAH cũng được tính toán một cách chu đáo: thành phố quy định mức phụng dưỡng tối thiểu 1 triệu đồng, nếu đơn vị nào phụng dưỡng không đủ thì thành phố sẽ bố trí ngân sách để cấp bù, nhằm tạo sự công bằng trong thực hiện chính sách. Điều đó càng minh chứng cách nghĩ, cách làm đầy nghĩa tình và trọn vẹn của thành phố Đà Nẵng.  

Tôi cứ nhớ mãi câu nói của một cán bộ ngành LĐ-TB&XH rằng, với những người còn sống thì các Bà mẹ VNAH hiện nay đều trên 70 tuổi, các thân nhân liệt sĩ cũng cao tuổi, cần chăm lo tất cả các chính sách cho các gia đình, nếu chậm trễ thì sẽ chẳng còn cơ hội để tri ân.

Hiện nay, cả nước có 8,8 triệu người có công với cách mạng, trong đó có 1,5 triệu người đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Những con số đủ làm nao lòng những người đang được thụ hưởng sự bình yên ngày nay. Tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ VNAH, các thương binh, bệnh binh, những người có công với cách mạng, đó là cách mà những người đang sống ứng xử đầy trân trọng với quá khứ - một quá khứ bi tráng của dân tộc; và là cách thiết thực để nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về một thời mà “khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.