.

Bất chấp kỷ cương

Thêm một vụ vận chuyển đất với khối lượng lớn ra khỏi địa bàn Đà Nẵng để bán bất chấp quy định chặt chẽ của thành phố và của Luật Khoáng sản được các cơ quan báo chí điều tra, phát hiện hôm qua 31-7, dù trước đó, ngày 9-7-2014, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 5827/UBND-QLĐTh về việc tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố. Văn bản này chỉ đạo cụ thể các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, đồng thời không cho phép chở đất ra khỏi địa bàn thành phố để bán.

Vụ việc báo động công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Đà Nẵng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trước đó, dù chính quyền thành phố đã có nhiều văn bản không cho phép doanh nghiệp khai thác đất thừa và yêu cầu nghiêm cấm vận chuyển đất ra khỏi Khu Công nghệ thông tin tập trung nhưng đất ở đây vẫn được lén lút vận chuyển trái phép bán ở địa bàn tỉnh Quảng Nam. Những vụ khai thác, vận chuyển đất trái phép xảy ra liên tiếp đã gây bức xúc lớn trong dư luận và là bài toán nan giải đối với cơ quan quản lý.

Câu chuyện chở đất trái phép, trong đó có loại đất nghi có hàm lượng khoáng sản có giá trị kinh tế cao chở đi bán không còn là chuyện mới ở Đà Nẵng. Những năm trước, đã xuất hiện hiện tượng đầu nậu mua đất đến đề nghị người dân thiếu hiểu biết đào ao nuôi cá, phần đất đào lên đầu nậu mua để mang bán nơi khác. Sau một thời gian phát hiện, xử lý kiên quyết, hiện tượng này có lúc đã lắng dịu nhưng lại rộ lên trong thời gian gần đây với những vi phạm nghiêm trọng, tinh vi hơn. Sau mỗi vụ vi phạm, việc xác định ai chở, chở từ đâu và chở đi đâu đang được các lực lượng chức năng điều tra làm rõ nhưng vấn đề đặt ra là kỷ luật, kỷ cương hành chính của thành phố đã và đang bị vi phạm nghiêm trọng trong thời điểm toàn thành phố đẩy mạnh thực hiện nội dung “5 xây” và “3 chống” theo tinh thần Chỉ thị số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Vấn đề đặt ra là hiện tượng chở đất đi bán không phải đến bây giờ mới xuất hiện nhưng tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài mà không có biện pháp hiệu quả xử lý triệt để. Đến lúc này, dư luận đặt câu hỏi liệu có hay không sự buông lỏng quản lý nên xảy ra hàng loạt vụ vi phạm trong thời gian qua và đã có bao nhiêu nguồn tài nguyên đất đai của thành phố vận chuyển trái quy định. Bởi những vụ việc bị phát hiện chắc chắn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, mặc dù lâu nay lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, kiên quyết xử lý dứt điểm.

Đã đến lúc khẩn trương lập lại trật tự kỷ cương trong quản lý, khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật và chủ trương của thành phố. Đối với các đơn vị vi phạm, tổ chức, cá nhân tiếp tay cho việc làm trái phép này cần phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý về chuyên môn cần tích cực hơn trong thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp quản lý của mình. Đối với các địa phương, đơn vị có nguồn khoáng sản, đất đai có nguy cơ xảy ra khai thác trái phép cần rà soát công tác phối hợp, giám sát để quản lý hiệu quả hơn. Trong nhiều biện pháp giám sát, việc đề nghị người dân tham gia phát hiện vi phạm được đánh giá rất hiệu quả và mang tính khách quan bởi sẽ khó xảy ra tiêu cực. Cách làm này cần được phát huy, nhân rộng trong thời gian đến để lập lại kỷ luật, kỷ cương đối với một lĩnh vực có nhiều nhạy cảm như quản lý, khai thác khoáng sản.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.