.

"Cấm đi ngược chiều"

Báo Đà Nẵng ra ngày 13-8-2014 có bài viết “Hiệu quả từ đổi mới tuyên truyền”. Kèm theo bài là một băng-rôn chỉ có 4 chữ to đậm như đề bài trích dẫn trên đây.

Bài báo đề cập đến cách làm là rút ngắn các khẩu hiệu, hướng dẫn giao thông trên các pa-nô, cờ phướn dọc các tuyến đường đông đúc xe cộ. Các khẩu hiệu ngắn gọn, to, dễ hiểu như vậy đã mang lại hiệu quả, theo bài báo, là đã giảm được tai nạn giao thông đáng kể trong thời gian qua. Nhân sự kiện này, chúng tôi có vài ý kiến trao đổi thêm về các khẩu hiệu và biển báo hướng dẫn giao thông lâu nay ở Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác.

Có thể nói, chưa ở đâu như ở nước ta, những pa-nô, khẩu hiệu giăng ngang đường, trên các dải phân cách hay bên phải của những con đường lớn lại có quá nhiều chữ, số, hình ảnh, những trích dẫn các văn bản hành chính, luật giao thông dài lê thê như đã từng thấy - đã dài nên lại nhỏ. Đôi khi muốn đọc được phải đến gần vài ba mét. Tốc độ xe máy, ô-tô di chuyển trên các đường phố ít nhất phải từ 30-50km/giờ làm sao người đi đường có thể đọc kịp những thông tin, thông báo kiểu như vậy!

Những biển báo giao thông khác, như: hướng dẫn lối đi, địa điểm sắp đến trên các lộ trình, ở các vòng xoay, các ngã ba, ngã tư… cũng vậy. Chữ rất nhỏ, đôi khi chứa đựng nhiều nội dung cùng một lúc, lại bị che khuất tầm nhìn vì các tán cây, trụ điện, lều quán tự phát của người dân hai bên đường. Những bảng hướng dẫn địa điểm trên các lối rẽ lại đặt quá gần chỗ rẽ, thay vì đặt cách đó vài trăm mét, người đi đường khi đọc được thì đã vượt quá trớn, thành ra mất tác dụng! Trong khi đó, lại thiếu trầm trọng những bảng hướng dẫn, chỉ đường cần thiết đến các địa danh, khu vực quan trọng, khiến khách đến từ nơi khác nhiều khi phải lạc đường hoặc phải dừng xe nhờ Cảnh sát giao thông.

Những điều vừa ghi nhận ở trên, tại nhiều nước lân cận như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia…, người ta đã khắc phục và thực hiện rất tốt từ lâu. Các bảng hướng dẫn lối đi, quy định tốc độ… thường đặt trên cao theo tầm nhìn phía trước của người lái xe, với kích cỡ chữ khá to, cách 50 - 100 mét đã đọc được. Ở nhiều nước tiên tiến, những bảng chỉ đường, lối rẽ vào các địa danh quan trọng còn đặt từ rất xa, từ 3-5 dặm và được lặp lại vài lần. Nhờ vậy, khách du lịch, người lái xe từ những nơi khác đến dễ dàng tìm ra nơi phải đến.

Ngoài ra, khi phương tiện ô-tô ngày càng nhiều, đường sá được xây dựng mới cũng tăng lên. Trường hợp Đà Nẵng còn đặc biệt hơn là không gian đô thị, hạ tầng phát triển nhanh chóng, nên việc nhớ tên đường đối với người dân sở tại đã khó, huống chi khách từ nơi khác đến! Do đó, biển báo, pa-nô hướng dẫn giao thông, tuyên truyền về luật giao thông ngắn gọn, dễ thấy, dễ đọc… là hết sức quan trọng, không chỉ góp phần giảm tai nạn mà còn giúp người đi đường, khách du lịch tiết kiệm được thời gian, di chuyển hợp lý trên lộ trình của mình.

Được biết, hiện nay trên thị trường đã có bán loại bản đồ hướng dẫn Vietmap cho lái xe ô-tô. Một chủ gara ô-tô ở Đà Nẵng vừa cho biết, loại bản đồ chỉ đường này có kèm theo cả tiếng nói hướng dẫn lộ trình không thua gì loại máy định vị (navigator) đặt trên ô-tô ở nhiều nước trên thế giới. Khi lên xe, bạn chỉ cần đánh vào bàn phím ảo  địa chỉ nơi đi và địa chỉ nơi đến, tức thì một bản đồ sẽ hiện lên màn hình xác định vị trí chiếc xe của bạn, hướng di chuyển và các hướng dẫn bằng tiếng nói. Rất tiện lợi để mỗi người đi đường chủ động vận hành phương tiện của mình, tự động không vào các đường cấm, đường một chiều… phù hợp với quy định giao thông tại mỗi địa phương, thành phố.

Những ứng dụng tiến bộ, phù hợp và hiệu quả nói trên sẽ góp phần nâng cao ý thức tôn trọng luật giao thông và giảm thiểu tai nạn trong tương lai. Vì vậy, có thể coi nỗ lực tuyên truyền như vừa qua là bước khởi đầu, thuận chiều theo hướng phát triển bền vững!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.