Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) và trật tự đô thị trên địa bàn thành phố 7 tháng đầu năm có chuyển biến đáng kể so với cùng kỳ năm 2013. Về TNGT, cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) đều giảm.
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, đậu đỗ xe không đúng quy định đã được chấn chỉnh. Hè phố được sắp xếp, bố trí gọn ghẽ, thông thoáng hơn, đặc biệt là những tuyến đường trọng điểm. Nạn xe dù, bến cóc tràn lan trước đây đã bị đẩy lùi một bước. Hiện tượng những đối tượng lang thang xin ăn, chèo kéo khách du lịch xuất hiện trở lại đã sớm được chấn chỉnh, khắc phục. Những cố gắng đó đã giữ được hình ảnh yên bình, thân thiện, trong nỗ lực xây dựng thành phố đáng sống. Đó là kết quả của sự nỗ lực triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu của các ngành, các địa phương trong thời gian qua.
Tuy nhiên, người dân thành phố vẫn chưa thực sự an tâm khi việc bảo đảm an toàn giao thông còn nhiều tiềm ẩn rủi ro, bất ổn. Có nhiều lý do khiến họ lo lắng, bởi sự cẩu thả của những người tham gia giao thông mà họ gặp thường ngày. Đó là việc nhiều người đi xe máy trong thôn, xóm, khu dân cư không đội mũ bảo hiểm; tình trạng taxi phóng nhanh, chạy ẩu trong các tuyến đường đô thị để giành khách; việc nhồi nhét khách trên những chuyến xe đường dài; vấn nạn xe ben chở đất quá tải chạy bạt mạng trên đường phố…
Tính cẩu thả, tùy tiện của người tham gia giao thông là tình trạng đáng quan tâm nhất trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông hiện nay. Phân tích số liệu về tình hình vi phạm an toàn giao thông cho thấy, trong tổng số 107 vụ TNGT có đến 21 vụ chạy quá tốc độ, 15 vụ vi phạm quy định làn đường, 14 vụ tai nạn do chuyển hướng. Những lỗi vi phạm này chiếm gần 50% số vụ TNGT và hơn 50% số người chết trong hơn 7 tháng qua.
Nhiều lỗi vi phạm khác cũng xuất phát từ ý thức cẩu thả của người tham gia giao thông như chạy ngược chiều, vượt xe không đúng quy định, uống rượu, bia vẫn tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy định khi tham gia giao thông; dừng, đỗ không đúng quy định, chạy quá tốc độ…. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý lập biên bản 35.960 trường hợp. Bình quân mỗi ngày có khoảng 150 trường hợp vi phạm luật an toàn giao thông mà suy cho cùng, nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông kém.
Một nguyên nhân không thể không nhắc đến là không ít người tham gia giao thông bị chi phối bởi lợi ích kinh tế. Tình trạng xe chở quá tải, cơi nới xe để tăng tải trọng thật sự là vấn nạn mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện biết sai nhưng họ vẫn làm. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra xuất phát từ nguyên nhân lái xe không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông vẫn không làm họ ghê sợ mà chùn bước!.
Đà Nẵng là thành phố phát triển năng động. Dù kết cấu hạ tầng đô thị phát triển nhanh, đồng bộ, nhưng sự tăng nhanh về quy mô dân số và sự tăng nhanh của phương tiện tham gia giao thông khiến nhịp sống đô thị càng nhộn nhịp. Hiện thành phố Đà Nẵng đang quản lý gần 42.420 ô tô các loại, gần 692.000 mô tô. Đó là chưa tính số phương tiện giao thông vãng lai hàng ngày. Mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng cao, để đảm bảo an toàn, thông suốt, yêu cầu người tham gia giao thông phải chấp hành các quy định về an toàn giao thông nghiêm ngặt, chặt chẽ.
Thành phố Đà Nẵng được sự chú ý của dư luận rộng rãi với những chương trình thấm đẫm tính nhân văn, trong đó ấn tượng nhất vẫn là chương trình “5 không”, “3 có”. Với mục tiêu có văn hóa văn minh đô thị, trước những yêu cầu thực tiễn, cần thiết bổ sung thêm tiêu chí chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn giao thông và trật tự đô thị, gắn việc xây dựng văn hóa thị dân với văn hóa giao thông. Làm thế nào để mỗi thị dân Đà Nẵng là một tấm gương tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông và trật tự đô thị là vấn đề cấp thiết hiện nay.
TƯỜNG VY