Cùng với những hội thảo được Ban điều phối Vùng duyên hải miền Trung tổ chức từ 1-2 lần mỗi năm và các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm… do các bộ, ngành Trung ương phối hợp với các địa phương trong vùng tổ chức, một lần nữa, Diễn đàn kinh tế miền Trung do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức vào cuối tuần qua tại Đà Nẵng, cho thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực vốn được cho là nghèo khó nhưng có vai trò cực kỳ quan trọng trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới.
Cũng tại diễn đàn này, một lần nữa, vấn đề được quan tâm nhiều nhất vẫn là tính liên kết và đặc biệt là cần xây dựng một cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế miền Trung.
Từ việc phân tích lợi thế về địa lý, kinh tế…, chính Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thừa nhận, nếu có cơ chế, chính sách phù hợp sẽ tạo động lực phát triển cho vùng, hình thành các trung tâm kinh tế mới. Còn Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong thời gian tới, sẽ phải tập trung vào các nhóm vấn đề chính như tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho vùng kinh tế miền Trung thực sự trở thành động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước.
Như vậy, diễn đàn lần này cũng cho thấy quan điểm rõ ràng về việc xây dựng một cơ chế, chính sách cho vùng kinh tế miền Trung; có sự đồng thuận rõ ràng về vấn đề này của lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng như các chuyên gia kinh tế.
Tại các hội thảo của Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung tổ chức, lãnh đạo các địa phương trong vùng cũng đã xây dựng nội dung kiến nghị với Trung ương về các cơ chế dành cho vùng; qua đó cho thấy sự cần thiết phải tạo lập một cơ chế mới, trước mắt là về kinh tế cho vùng. Đặc biệt, tại diễn đàn lần này, có ý kiến cho rằng, cơ chế liên kết hợp tác vùng hiện nay chỉ là sáng kiến của các địa phương nên cần có sự thừa nhận và bảo trợ pháp lý của Chính phủ; từ đó có chính sách hỗ trợ hơn nữa trong các hoạt động liên kết vùng, khai thông sức mạnh về tiềm năng và lợi thế cho vùng.
Tuy nhiên, căn cứ nào để xây dựng một cơ chế đặc thù cho liên kết phát triển vùng kinh tế miền Trung? Bởi, ở mỗi vùng cũng như từng địa phương đều cần có và đều đòi hỏi một cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển của mình; dẫn đến vai trò điều phối ở Trung ương sẽ bị “rối”. Đó là chưa nói đến tình trạng “mạnh ai nấy làm” vốn dĩ hiện diện ở nhiều vùng trong cả nước, chứ không riêng gì khu vực miền Trung.
Có thể thấy, trong giai đoạn hiện nay và trước những diễn biến mới trên Biển Đông, một trong những căn cứ quan trọng để xây dựng cơ chế đặc thù cho khu vực miền Trung chính là phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Kinh tế biển phải được đặt lên hàng đầu ở miền Trung trong tổng thể thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020; đưa khu vực miền Trung - nhất là vùng duyên hải, trở thành khu vực quan trọng để Việt Nam hội nhập với thế giới theo hướng biển và trên nền tảng kinh tế biển.
Tuy nhiên, để thế mạnh này được khai thác và tạo động lực cho phát triển, vấn đề quan trọng không kém bên cạnh tạo cơ chế chung cả vùng, là việc xây dựng chính sách trong phân công vai trò của từng địa phương trong liên kết vùng. Đây là vấn đề được bàn thảo qua nhiều hội thảo, diễn đàn do Ban điều phối vùng tổ chức nhưng vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả; vì vậy đã đến lúc cần có sự tham gia một cách tích cực của Trung ương trong vai trò điều phối, chỉ huy.
Để phát huy được sức mạnh tổng hợp của miền Trung, trong đó có sức mạnh kinh tế, cần phải xây dựng cơ chế mới cho vùng trên những cơ sở khoa học, hợp lý để từ đó triển khai thực hiện đạt hiệu quả, chứ không nên để các địa phương tự giải quyết trên cơ sở liên kết còn chưa chặt chẽ như hiện nay!
ANH QUÂN