Một trong những căn cứ quan trọng để lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm là “nhu cầu và dự báo khả năng huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội…” (Điều 50 Luật Đầu tư công).
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến phát biểu tại Hội nghị toàn quốc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) giai đoạn 2016-2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 7 đến 9-8, thì thực tế cho thấy khả năng dự báo của Việt Nam còn hạn chế trong nhiều lĩnh vực. Do đó, để tránh gặp khó khăn cho các địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc dự báo và thẩm định kế hoạch đầu tư trung hạn, tránh trường hợp dự báo không sát thực tế dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch nhiều lần, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí quy định phương pháp dự báo áp dụng cho các bộ, ngành và địa phương…
Có thể nói, việc tổ chức hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần này nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận của các bộ, ngành, địa phương với việc tham gia góp ý thẳng thắn, có trách nhiệm vào những vấn đề liên quan đến việc lập kế hoạch, đầu tư công…; bởi đã đến lúc cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong việc xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, từ đó làm căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn và dài hạn một cách có khoa học, căn cứ trên định hướng phát triển của đất nước, bảo đảm khả thi cao… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020.
Từ thực tế xây dựng và kết quả ban đầu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2011-2015 cho thấy, những dự báo về biến động của tình hình cho cả một giai đoạn vẫn chưa thực sự sát sao và việc triển khai thực hiện thực sự chưa được như mong muốn. Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ như kinh tế tăng trưởng ổn định, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng có thể thấy kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, thị trường bất động sản hồi phục chậm, tăng trưởng tín dụng thấp…
Đặc biệt, qua sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, cho thấy việc dự báo vẫn chưa thực sự bảo đảm hiệu quả, bộc lộ rõ việc phụ thuộc vào một thị trường ở một số ngành, địa phương… Việc dự báo chưa thực sự khoa học, chưa sát với biến động tình hình thế giới và trong nước dẫn đến hệ lụy là đầu tư không đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả của đầu tư, nhất là đầu tư công. Ngay cả việc dự báo mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp cũng đặt ra câu hỏi liệu có khả thi hay không, khi thực tế KT-XH của nước ta đang còn chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng kinh tế kéo dài và tình hình thế giới đang bất ổn trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó thời gian chỉ còn lại vỏn vẹn có 6 năm!
Vì vậy, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020 của cả nước cũng như của từng bộ, ngành, địa phương phải được thực hiện một cách thực sự nghiêm túc, có khoa học; bảo đảm từng bộ phận phải hài hòa với sự phát triển tổng thể của đất nước cũng như trong bối cảnh toàn cầu hiện nay và trong giai đoạn mới. Cần đổi mới mạnh mẽ trong việc lập kế hoạch phát triển, đặc biệt là bảo đảm theo đúng 10 nguyên tắc về lập kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020. Việc dự báo chính xác để bảo đảm cho kế hoạch phát triển KT-XH cũng như đầu tư trung hạn, tránh tình trạng chắp vá, chạy theo “thời vụ” không chỉ nhằm bảo đảm tính định hướng trong phát triển, mà điều quan trọng là tạo niềm tin, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển bền vững hơn.
ANH QUÂN