.

Đừng dùng "tin vịt" trước đại dịch

Sáng qua, người dùng facebook có dịp… hú hồn trước một thông tin được đăng tải trên mạng xã hội rằng Ebola đã “đến” Việt Nam và khẳng định có bệnh nhân Ebola đang điều trị tại một bệnh viện. Kiểu rao tin chết người thế này trước tình hình đại dịch thực sự vô cùng nguy hại.

Tính đến hôm qua (12-8), Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh Ebola nào. Đó là thông tin chính thống được khẳng định từ các cơ quan chức năng. Trên thế giới, số liệu cập nhật trong sáng qua cho biết 4 quốc gia ở Tây Phi gồm: Guinea, Leberia, Siera Leone và Nigeria ghi nhận 1.848 ca mắc, trong đó 1.013 trường hợp tử vong.

“Nếu phát hiện một ca nhiễm bệnh Ebola, dù là một ca thôi cũng đủ đảo lộn cả ngành y tế”, một cán bộ Sở Y tế thành phố Đà Nẵng nói. Nhiều ngày qua, Ebola là từ được nhắc nhiều và thu hút sự quan tâm của xã hội. Dù một số chuyên gia khẳng định Ebola không quá đáng sợ như SARS, một dịch bệnh mà con người từng đối mặt. Bởi nếu SARS lây truyền qua không khí nên rất khó kiểm soát và dễ phát tán rộng rãi trong cộng đồng, thì Ebola chỉ lây truyền khi có sự tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết (nước tiểu, phân, nước bọt, tinh dịch) và máu của người mắc bệnh sang người lành. Chính cơ chế lây truyền khác biệt này nên nhiều người cảm thấy Ebola dù sao cũng nằm trong vùng kiểm soát được. Tuy nhiên, con số bệnh nhân tăng mỗi ngày và tỷ lệ tử vong ở mức cao ngất ngưởng tại các quốc gia Tây Phi cũng là lời cảnh báo cho tất cả các nước khác trên thế giới, trong đó không loại trừ Việt Nam.

Liên tục những công văn hỏa tốc, cuộc họp khẩn từ Trung ương đến địa phương, kể cả sự vào cuộc trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy Việt Nam thực sự đưa việc phòng, chống Ebola trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của ngành y tế hiện nay. Trong thế giới phẳng, việc đi lại giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng trở nên đơn giản, phổ biến thì bệnh dịch cũng “rộng đường” xâm nhập. Do đó, chuyện ứng phó với dịch bệnh không còn là công việc riêng của một ngành nữa. Mỗi cá nhân bằng sự chủ động phòng ngừa cho bản thân mình cũng là một cách góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Dịch do virus Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và Cộng hòa Congo vào năm 1976. Tại Congo, virus được phát hiện ở một ngôi làng ven sông Ebola, nên người ta đặt tên là virus Ebola. Vụ dịch đầu tiên có hơn 600 người mắc. Đến vụ dịch này, con số người mắc tăng lên gấp 3 (tính đến thời điểm hiện tại). Lo lắng trước mức độ nguy hại ngày một tăng của Ebola là điều đương nhiên, nhưng hoang mang hay “nhiệt tình” loan truyền tin nháo nhào dù chưa có sự kiểm chứng thông tin là không cần thiết. Thay vì đưa những “tin vịt” gây hoang mang cho mọi người, hành động chăm rửa tay bằng xà phòng, làm sạch môi trường sống xung quanh là biện pháp dễ dàng, đơn giản và hiệu quả mà bất kể ai cũng có thể thực hiện để cùng ngăn ngừa đại dịch.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.