.

Không thể vô can

Mấy ngày nay, thông tin phản ánh về tình trạng cá chết trắng mặt nước ở các lồng bè trên vịnh Mân Quang, Sơn Trà dấy lên nhiều câu hỏi bức xúc. Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện cá, nghêu chết hàng loạt mà từ nhiều năm trước, người dân đã chịu thiệt hại lớn khi nuôi hải sản ở khu vực này.

Người nuôi cá bè Đà Nẵng không xót xa sao được khi ước tính thiệt hại vật chất là rất lớn, ước tính mỗi hộ từ 250-300 triệu đồng. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt đổ cho lồng cá mưu sinh nay đã trắng tay, nhưng trước mắt, họ vẫn phải chấp nhận vì thành phố đã có chỉ đạo cấm nuôi cá bè ở đây từ giữa năm 2010. Việc để tiếp diễn thiệt hại của người dân có trách nhiệm của chính quyền sở tại khi không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt ngay từ đầu, trước quyết định của thành phố cũng như mối nguy ô nhiễm môi trường ở khu vực này.

Khi nhắc đến việc cá chết, các nhà phân tích môi trường đề cập ngay đến dấu hiệu đầu tiên là môi trường không ổn định. Đánh giá này thường được lưu ý để xác định nguyên nhân, từ đó tìm hướng khắc phục. Cá chết có thể do nhiều nguyên nhân như thời tiết thất thường, ô nhiễm từ nước thải hoặc do độc tố. Được biết, các năm 2012, 2013, người dân nuôi cá cũng đã thiệt hại hàng tỷ đồng do cá, tôm chết bất ngờ hàng loạt. Mặc dù đến thời điểm này, đã có nhiều đơn vị xét nghiệm, đánh giá tính chất, mức độ của nguồn nước vịnh Mân Quang, song chưa ai dám khẳng định 100% cá chết do nguồn nước xả thải lén lút chưa qua xử lý của các doanh nghiệp đóng chân tại địa bàn.

Thế nhưng, rõ ràng “tiền sử” ô nhiễm ở Âu thuyền Thọ Quang thì có lẽ không giấy bút nào thống kê cho hết bức xúc mà người dân đã phải chịu đựng. Âu thuyền Thọ Quang là nơi trú đậu tàu thuyền để tránh bão. Tuy nhiên, sau khi cảng cá Thuận Phước chuyển về đây cùng với chợ đầu mối thủy sản hoạt động, tình trạng ô nhiễm trở nên nặng hơn do thiết kế của âu thuyền này không thông thủy lại cộng dồn nước thải của KCN Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, nước thải tàu thuyền, các điểm dân cư chung quanh đổ xuống đêm ngày... Cũng xin nhắc lại, có thời gian người dân đã từng đến bao vây âu thuyền vì không chịu nổi mùi hôi đe dọa sức khỏe.

Không chỉ đến bây giờ mà hầu như mỗi kỳ họp HĐND thành phố, cử tri và người dân phản ánh nhiều lần về môi trường sống nơi đây. Đã bao lần người dân làm đơn nhờ chính quyền địa phương can thiệp, nhiều câu hỏi đã đặt ra đối với các cơ quan chức năng về vấn đề này, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết được. Các cuộc họp HĐND thành phố nhiều năm qua cũng đã chất vấn cơ quan chức năng về ô nhiễm tại khu vực này nhưng giải pháp căn cơ để xử lý triệt để vẫn chưa có hồi kết.

Thiệt hại vật chất của người dân đã được cảnh báo vì khu vực này không được nuôi trồng thủy-hải sản. Tuy nhiên, trước hiện tượng cá chết hàng loạt như vậy, ô nhiễm môi trường không thể vô can. Thế nhưng, không chỉ với cá, tôm, nghêu…, chính con người sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn về sức khỏe và vật chất nếu không có giải pháp xử lý triệt để những vấn đề đặt ra về môi trường ở khu vực này!

DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.