.

Nỗi lo năm học mới

Bước vào năm học mới 2014-2015, một phụ huynh là cán bộ cấp sở cho biết, nỗi lo lớn nhất của chị là xin cho con vào lớp 1 ở trường tiểu học thuộc quận trung tâm thành phố.

Việc nhờ vả với chị không khó, bởi chị có quen thân với lãnh đạo cũng như nhiều người làm công tác quản lý giáo dục ở quận đó. Nhưng cuối cùng chị quyết định thôi nhờ vả, để cho con học theo đúng tuyến với hộ khẩu gia đình. Chị lý giải rằng, nếu mình nhờ vả thì lãnh đạo quận cũng sẽ giúp, nhưng nếu lãnh đạo thành phố kiểm tra, phát hiện ra trường hợp của mình, lãnh đạo quận cũng khó giải trình, mình cũng không biết ăn nói thế nào. Vả lại, chất lượng dạy và học lâu nay ở các trường cũng không phải là chênh lệch quá lớn, việc chạy “trường điểm” bằng mọi cách cũng chỉ là do tâm lý chứ không nằm ở thực chất chất lượng cao hơn của đội ngũ lãnh đạo và giáo viên của trường.

Có thể nói, thay đổi nhận thức về việc “chạy trường” hiện nay trong một bộ phận phụ huynh đã có sự chuyển biến nhất định; nhất là sau khi Thường trực HĐND, UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo xử lý tình trạng “chạy trường” ở 5 trường tiểu học và THCS thuộc hàng “điểm” của các quận Hải Châu và Thanh Khê trước năm học mới này. Việc quy trách nhiệm cụ thể đối với Chủ tịch UBND quận, phường, Trưởng phòng GD-ĐT quận và hiệu trưởng ở các trường này đã lan tỏa đến các quận, phường và trường khác trên địa bàn thành phố. Đây là một tín hiệu đáng mừng trước năm học mới 2014-2015; để có thể nghĩ đến việc giảm tải ở các trường trung tâm, bảo đảm 100% trường tiểu học tổ chức học bán trú 2 buổi/ngày cho 100% học sinh vào năm học 2015-2016 theo nghị quyết của HĐND thành phố.

Đây cũng là một trong những thành công về quản lý giáo dục của thành phố, sau việc chỉ đạo xử lý quyết liệt tình trạng lạm thu trong nhà trường, tình trạng dạy thêm học thêm trái phép gây bức xúc dư luận xã hội những năm qua.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề trong trường học hiện nay đang có dấu hiệu cho thấy sẽ lặp lại tình trạng vận động đóng góp, dạy thêm, học thêm cấp tiểu học. Nếu không bám sát chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và theo dõi sát tình hình thực tế để kịp thời phát hiện thì về sau khó xử lý hơn. Đó là việc ngoài khoản thu của Hội cha mẹ học sinh theo quy định của thành phố, thì ở một số lớp, trường… cũng có việc “vận động” phụ huynh đóng góp thêm để mua cây cảnh, đồ dùng dạy học… theo tinh thần tự nguyện nhưng có “giá sàn” hẳn hoi.

Việc này dĩ nhiên không thông qua Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm về mặt hình thức, nhưng đã được “bật đèn xanh” và những người đại diện Hội cha mẹ học sinh tổ chức thực hiện nên ít phụ huynh nào dám chối từ. Hay tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan của một số giáo viên sẽ làm khó cho phụ huynh và học sinh vì thực sự họ không có nhu cầu. Đặc biệt, việc “chạy” hộ khẩu để vào trường “điểm” - theo quan niệm của một số phụ huynh, sẽ diễn biến phức tạp hơn, gây áp lực lớn lên mục tiêu 100% học sinh tiểu học được học bán trú 2 buổi/ngày vào năm học sau.

Vì vậy, bên cạnh việc theo dõi, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh việc chạy trường, lạm thu, dạy thêm học thêm…; cần phải có những giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc tình trạng trên, lập lại trật tự ổn định trong quản lý giáo dục. Trước hết, cần rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông; điều chuyển, phân bổ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, điều kiện dạy và học một cách hợp lý giữa các trường… để giải quyết nạn chạy trường, xóa bỏ tư duy trường “điểm”. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục và đặc biệt là quy trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, có hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên sai phạm trong quản lý và tổ chức dạy thêm học thêm, lạm thu… gây bức xúc trong dư luận.

Một giải pháp căn cơ và không kém phần quan trọng, đó chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo đảm nhận thức đúng đắn trong phụ huynh và học sinh về những vấn đề liên quan đến giáo dục; nhất là không để người dân nhận thức lệch lạc vì những vấn đề tiêu cực của ngành GD-ĐT, tạo nên những nỗi lo không đáng có vào mỗi năm học mới!

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.