Câu chuyện thủy điện và hạ du “nóng” trở lại trong những ngày gần đây khi Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 tích nước, Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 xả nước phát điện về sông Thu Bồn mà không trả nước về sông Vu Gia. Vùng hạ du, cụ thể là gần 1 triệu dân Đà Nẵng bị ảnh hưởng ngay lập tức: nguồn nước sinh hoạt bị suy yếu, mỗi ngày thiếu hụt 50.000m3 khi sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng.
Các thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mùa mưa xả nước gây lũ chồng lũ, mùa hạn tích nước khiến ruộng đồng khô khốc, nguồn nước sinh hoạt nhiễm mặn… đã là câu chuyện chưa có hồi kết từ 5 năm nay, khi các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam bắt đầu vận hành. Người dân bức xúc, chính quyền kiến nghị, nhưng mọi việc vẫn chưa đi đến đâu. Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đây là lần thứ hai người dân Đà Nẵng bức xúc trước tình trạng này, nhưng lần này nỗi bức xúc lớn hơn khi mức độ ảnh hưởng đã len lỏi vào đến tận bếp ăn của nhiều gia đình.
Vấn đề đặt ra ở đây, là lựa chọn lợi ích kinh tế hay lợi ích dân sinh trong đầu tư phát triển thủy điện, nhất là ở thời điểm khô hạn nghiêm trọng (cũng như thời điểm mưa lớn kéo dài)?
Còn nhớ, hồi tháng 4-2014 vừa qua, tại cuộc họp giữa các bộ, ngành với chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về vấn đề thiếu nước trong mùa hạn ở Đà Nẵng, một lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn sẽ đặt ưu tiên cấp nước cho hạ du cao hơn cấp nước phát điện. Thế nhưng đến nay, trong khi quy trình vận hành liên hồ chứa này chưa hoàn thành thì các thủy điện vẫn cứ vô tư tích nước hoặc xả nước về sông Thu Bồn. Cụ thể, mặc dù ngày 25-7, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn đề nghị Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 vận hành xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 5-10m3/s từ ngày 1-8. Tuy nhiên, từ ngày 1 đến 12-8, thủy điện Đăk Mi 4 chỉ xả nước phát điện về sông Thu Bồn mà chưa trả nước về sông Vu Gia. Cho đến rạng sáng ngày 14-8, tức đúng hai tuần sau khi có chỉ đạo, thủy điện Đăk Mi 4 mới chịu trả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 20m3/s. Mặc dù vậy, trong ngày 14-8, nhiều khu vực ở Đà Nẵng vẫn phải dùng nước yếu.
Việc Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 4 đã chịu trả nước trở về sông Vu Gia, trong thời gian từ 14 đến 20-8, trước mắt có thể giúp Đà Nẵng giải được cơn “khát” nước ngọt trong những ngày tới. Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề thiếu nước ở vùng hạ du trong mùa cạn là bài toán cần tìm lời giải triệt để. Bởi, trước đây, khi các thủy điện Đăk Mi 4, A Vương, Sông Tranh… tích nước đã khiến người dân vùng hạ du khốn khổ, nay thêm Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 tích nước thì nỗi khốn khổ này càng tăng thêm.
Lâu nay, khi nói đến tác động của thủy điện đối với môi trường, rất nhiều người, từ đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế đến cán bộ quản lý và cả người dân, đều bức xúc việc cấp phép ồ ạt, quy hoạch trái tự nhiên và buông lỏng quản lý các dự án thủy điện trong cả nước. Thậm chí, nhiều người thẳng thừng điểm tên thủy điện là nguyên nhân trực tiếp của lũ chồng lũ (vào mùa mưa) và tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt như hiện nay. Thêm nữa, việc các nhà máy thủy điện thường xuyên phớt lờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong việc chống hạn phòng lũ không thể không khiến người dân nghi ngờ và đặt câu hỏi về vấn đề đầu tư thủy điện chỉ vì lợi ích kinh tế, bỏ qua yếu tố dân sinh.
Trở lại câu chuyện Đà Nẵng đang thiếu nước. Để người dân không phải thiếu nước sinh hoạt, để bà con nông dân không còn thiếu nước tưới tiêu ruộng đồng, để không phải cứ đến mỗi khi khô hạn phải kêu ca thủy điện, cần phải giải quyết rốt ráo vấn đề lợi ích kinh tế và lợi ích dân sinh. Khi bắt tay vào làm thủy điện, các nhà đầu tư đều cam kết sẽ giải quyết hài hòa hai lợi ích này; trong khi quan điểm của các cơ quan quản lý, từ Trung ương đến địa phương, đều ưu tiên cho lợi ích dân sinh.
Nhưng trong thực tế, sự thật thì không phải hoàn toàn như vậy. Đến đây, người viết nhớ đến phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) ngày 11-8 vừa qua, đại ý là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải dân chủ, trên cơ sở tôn trọng kỷ cương, pháp luật và nhất là phải “quy định vấn đề đạo đức kinh doanh” của doanh nghiệp. Có lẽ vậy, ngoài làm ăn kinh tế, mang lại lợi ích cho chính mình và xã hội, đạo đức kinh doanh đang là điều mà người dân đòi hỏi ở doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm nuôi dưỡng.
Tháng 6-2014 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa lũ hằng năm (bao gồm các thủy điện A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2), với những nguyên tắc thứ tự ưu tiên rõ ràng mà các thủy điện phải tuân thủ, trong đó có góp phần giảm lũ cho hạ du. Người dân vùng hạ du đang rất cần sớm ban bành một quy trình vận hành tương tự như vậy trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa cạn, với nguyên tắc ưu tiên như vị lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định ở trên: đặt ưu tiên cấp nước cho hạ du cao hơn cấp nước phát điện.
ĐÀ NAM