.

Trách nhiệm và quyết tâm

74,5% người nghiện ma túy có độ tuổi dưới 30; 85,3% người nghiện ma túy không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định; 40,2% người nghiện chưa được cai nghiện; 91,4% đối tượng phạm tội về ma túy có sử dụng trái phép chất ma túy…

Đó là những con số báo động do Công an thành phố đưa ra tại cuộc họp bàn giải pháp tăng cường công tác phòng, chống ma túy của thành phố dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ diễn ra hôm qua (20-8). Bên cạnh đó, tuy số lượng người nghiện của Đà Nẵng không cao hơn một số địa phương khác và tình hình chưa quá phức tạp, nhưng số người nghiện tăng lên đáng kể (248 người so với thống kê cuối năm 2013); số vụ việc và đối tượng phạm tội về ma túy cũng tăng lên (tăng 11,1% số vụ và 7,3% số đối tượng).

Đặc biệt, tình hình đáng báo động ở chỗ Đà Nẵng xác định một trong những mục tiêu xây dựng thành phố “5 không” là “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”. Trong khi đó, theo báo cáo, các ngành chức năng có tâm lý chờ hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; vì thế việc phát hiện, xử lý người nghiện và đưa vào cai nghiện tập trung lại giảm đi khá lớn so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, trước những con số báo động đó cũng như yêu cầu về việc kiểm soát tình hình buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy và nhất là nâng cao chất lượng cai nghiện tập trung, tại cuộc họp hôm qua, lãnh đạo cao nhất của thành phố cũng đã bày tỏ thái độ về trách nhiệm và quyết tâm của Đà Nẵng trong việc kiên quyết khống chế, đẩy lùi tệ nạn ma túy trong cộng đồng.

Theo đó, thể hiện trách nhiệm với xã hội, nhất là với những người trẻ, Đà Nẵng sẽ sớm xây dựng và ban hành quy chế tạm thời về việc lập hồ sơ tổ chức đưa người đi cai nghiện tập trung, trong khi chờ thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Đây là giải pháp cấp bách nhằm lấp “lỗ hổng” trong thực thi pháp luật đối với người nghiện ma túy, để tránh trường hợp khi tình hình diễn biến phức tạp thì khó khăn hơn nhiều lần trong kiểm soát và lập lại trật tự.

Cũng xin nói thêm rằng, trước đây, Đà Nẵng cũng đã có những giải pháp “lách rào” để xử lý triệt để những vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ví dụ việc tăng mức xử phạt, tịch thu phương tiện bán sung công quỹ đối với các trường hợp tổ chức và tham gia đua xe trái phép. Ban đầu, việc xử lý gặp phải những phản ứng gay gắt do trái với quy định của pháp luật; nhưng sau đó thì việc giải quyết tình trạng đua xe trái phép của Đà Nẵng mang lại hiệu quả tích cực và được dư luận ủng hộ mạnh mẽ, một số địa phương học tập và áp dụng thành công…

Nói điều đó để thấy rằng, có những khoảng trống mà pháp luật không thể lấp đầy trong giải quyết những vấn đề của xã hội; thì cần có những cách giải quyết “lách rào” như thế. Dĩ nhiên, việc “lách rào” đó cũng phải nằm trong khuôn khổ của một xã hội thượng tôn pháp luật và không vì tư lợi cá nhân hay lợi ích nhóm, mà đem lại hiệu quả rõ rệt cho cộng đồng xã hội và theo đúng quy luật phát triển, thể hiện rõ trách nhiệm trong việc bảo đảm thực thi pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Thể hiện rõ trách nhiệm với xã hội trước sự tấn công ngày càng mạnh mẽ và nguy hiểm của ma túy đối với con người, nhất là những người trẻ vốn là “mùa xuân của xã hội”, lãnh đạo thành phố tỏ rõ quyết tâm trong công tác phòng, chống ma túy, không chỉ bằng phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp hôm qua mà tại Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 20-8-2014. Trách nhiệm và quyết tâm ấy cần có sự hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ để thực sự mang lại hiệu quả trong thực hiện mục tiêu “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”, hướng tới xây dựng một Đà Nẵng thực sự sống tốt.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.