.

Vừa ăn vừa run

Một người cao tuổi kể, hồi xưa bà không biết ăn trái cây sẽ được bổ sung vitamin, chất xơ hay các chất có lợi cho cơ thể. Bà chỉ biết đói bụng thì ăn cơm thật no thôi. Mãi sau này nhờ ti-vi và nhiều phương tiện truyền thông khác, bà mới biết trái cây rất tốt, thậm chí giúp người già như bà thọ lâu hơn.

Khác với chuyện của hơn nửa thế kỷ trước, bây giờ trẻ em mới lọt lòng đã được nghe “Ăn trái cây rất tốt cho cơ thể”. Với người trẻ, họ càng nằm lòng lời khuyến cáo: Ăn trái cây giúp đẹp da, sáng mắt, tóc mượt, tăng sức đề kháng. Trái cây còn có tác dụng phòng chống bệnh, một khía cạnh mà con người thời hiện đại đặc biệt quan tâm. Hầu như trong các bài thuốc tư vấn bệnh, bác sĩ đều nhắc nhở mọi người tích cực ăn trái cây.

Lợi ích của trái cây là điều không bàn cãi, vậy thì vì sao hiện nay có không ít, thậm chí rất nhiều người vừa ăn trái cây vừa…run? Bởi trái cây không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm tra chất lượng đang tung hoành trên thị trường. Và dám chắc rằng không ai có thể tự tin khẳng định “tôi là người tiêu dùng thông thái” trước mặt hàng trái cây ngày càng đẹp mắt, hấp dẫn, nhưng ẩn chứa mối nguy hại khôn lường. Nếu muốn biết trái cây có chứa chất cấm này nọ hay không là điều nằm ngoài khả năng đánh giá của người tiêu dùng bình thường, thì nguồn gốc của trái cây có thể là điều không quá khó xác định, bởi chỉ cần xem nhãn mác hàng hóa hoặc hỏi người bán là xong. Tuy nhiên thực tế, biết chính xác nguồn gốc loại quả bản thân mình chuẩn bị…cho vào miệng là một câu hỏi lớn với đa số người.

Nói chuyện trái mít thân thương thường thấy ở quê mình thôi, bây giờ nó đã “lên đời” thành “mít miền Tây”, “mít Thái”. Hỏi người bán rằng liệu đó có phải là mít Trung Quốc đội lốt mấy cái tên mĩ miều không, lập tức sẽ được nghe lời giải thích chắc nụi: Trung Quốc còn qua ta mua mít nữa thì lấy đâu ra mít bán cho mình ăn. Tóm lại là mít xịn chính hiệu. Đến hàng trăm thứ quả khác như ổi, lê, dâu, mận, nho, đào... càng không thể chắc cái nào đến từ Úc, Mỹ, Hà Nội hay Đà Lạt. Thậm chí, khi một loại trái cây nào đó được thêm chữ “quê” ngay sau tên của nó, như “mãng cầu quê”, “cam quê” cũng không thể làm người mua bớt hoang mang về nguồn gốc.  Đặc biệt khắp từ chợ, siêu thị đến hàng rong, chẳng thấy ai trưng bảng giới thiệu “đây là trái cây Trung Quốc”.

Trong khi trên thực tế, trái cây tiêu thụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được nhập từ Trung Quốc với tỷ lệ không nhỏ. Tính riêng chợ đầu mối Hòa Cường, mỗi ngày nơi này nhập 14,1 tấn trái cây Trung Quốc trên tổng số 141 tấn từ nhiều nguồn (tức chiếm khoảng 10%). Đó là chưa kể trái cây được người kinh doanh lấy từ nơi khác về Đà Nẵng bán, không phải lấy từ chợ đầu mối Hòa Cường. Đáng ngại là theo báo cáo mới nhất tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, vấn đề lấy mẫu kiểm tra chất lượng trái cây đang thực sự đáng lo ngại. Mặt hàng trái cây nhập về chợ đầu mối trong nửa năm qua đến gần 25 ngàn tấn, nhưng mẫu được lấy kiểm tra chỉ là con số…2 tròn trĩnh (gồm nho và táo)!

2 mẫu /25.000 tấn, con số này gợi lên điều gì? Đó là… không gợi được điều gì cả, ngoại trừ một điều nó quá chênh lệch. Thỉnh thoảng người dân lại rỉ tai nhau trái này, trái kia bị ngâm hóa chất, bơm chất cấm hay bị phù phép bằng chất độc hại để ngọt thơm, nhanh chín, lâu héo, nhưng với hình thức lấy mẫu kiểm tra như thế này thì mọi câu hỏi vẫn không thể có câu trả lời, và người tiêu dùng cũng chẳng biết dựa vào đâu để khẳng định chất lượng trái cây.

Việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng trái cây là vấn đề vĩ mô, khó khăn đối với một địa phương. Bởi nếu nguồn hàng từ cửa khẩu bị “lọt sổ” dễ dàng thì các tỉnh cứ thế thụ động lãnh đủ. Tuy vậy, cũng không thể vì chuyện quá vĩ đại mà cứ để người dân thành phố mình chịu tổn hại sức khỏe theo. Vẫn có những cách để xoay sở tình thế, đó là xây dựng trạm giám sát chất lượng rau củ quả ngay tại chợ đầu mối Hòa Cường, theo như kiến nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố. Trạm này, hiểu nôm na là được trang bị máy móc kiểm tra nhanh, phục vụ giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm vi sinh để từ đó có căn cứ cảnh báo đến cả người bán lẫn người mua.

Có một câu tuyên truyền nghe có vẻ đúng rằng: “Phải nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thực phẩm sạch, bởi mỗi người tiêu dùng thông thái sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng sản xuất, tiêu thụ thực phẩm không an toàn”. Vâng, câu nói rất hay, nhưng người dân có nhận thức tốt về vấn đề này rồi thì sao? Nếu vẫn cứ kiểu lấy mẫu kiểm tra cho có, hoặc chẳng có cái trạm nào, hệ thống máy móc nào và quy trình kiểm tra nào đưa ra con số khoa học khẳng định đâu là trái cây sạch, đâu là trái cây nhiễm độc chất, đâu là trái cây không có nguồn gốc rõ ràng, thì người dân biết cái gì tốt, cái gì không tốt mà chọn?

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.