.

Xây dựng mô hình dân quân biển tập trung

Hai năm qua, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được mô hình trung đội dân quân biển tập trung với 2 trung đội gồm 56 cán bộ, chiến sĩ.

Đây là kết quả từ nỗ lực lớn của các quận Sơn Trà và Thanh Khê, bởi mô hình trung đội dân quân biển tập trung là mới, chưa có tiền lệ, nên mọi việc đều rất ngỡ ngàng. Thêm vào đó, nhiều khó khăn mà các địa phương gặp phải khi triển khai xây dựng lực lượng dân quân biển, đó là trình độ văn hóa, chất lượng chính trị của một bộ phận không nhỏ nhân dân ven biển và lao động trên biển có mặt hạn chế. Quan hệ giữa người lao động và chủ tàu không có sự ràng buộc chặt chẽ. Đa số tàu cá đều hoạt động tự do nên khó quản lý, điều hành.

Từ những trở ngại đó, việc tập hợp ngư dân thành một tổ chức đã khó, việc huấn luyện cho họ thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ thuật khó khăn gấp bội phần. Tuy vậy, trước yêu cầu, nhiệm vụ được giao, các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động chủ phương tiện và ngư dân về ý thức, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tình nguyện tham gia lực lượng dân quân biển tập trung; có kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng lực lượng dân quân biển chặt chẽ, đúng quy trình từ khâu lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong suốt quá trình khảo sát đến xây dựng lực lượng, đi vào hoạt động.

Từ thực tiễn cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, ngoài các lực lượng vũ trang, chấp pháp, ngư dân đang làm ăn trên biển là lực lượng đông đảo trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhận thấy tầm quan trọng của ngư dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền trên biển, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt hải sản. Đã có một phong trào rộng rãi trong xã hội nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân bám biển sản xuất như góp lưới tặng ngư dân, tặng cờ Tổ quốc cho các tàu cá vươn khơi… Tuy vậy, để ngư dân tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo, họ cần được tổ chức lại, được huấn luyện bài bản.

Chủ trương xây dựng các đơn vị dân quân trên biển, dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại ban đầu, nhưng đã gặt hái được những trái ngọt đầu mùa, chứng tỏ chủ trương này được đông đảo ngư dân hưởng ứng tham gia.

Nhờ chuẩn bị tốt về tư tưởng, tổ chức và huấn luyện, các đơn vị dân quân biển tập trung đã phát huy được thế mạnh của mình. Các trung đội đã kết hợp tốt giữa hoạt động đánh bắt hải sản với việc nắm diễn biến tình hình an ninh trên biển. Từ ngày thành lập đến nay lực lượng dân quân biển đã cung cấp 25 nguồn tin có giá trị liên quan đến hoạt động của tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam và các hoạt động quân sự khác để các cơ quan chức năng xử lý… Theo đánh giá của lãnh đạo thành phố, hoạt động của trung đội dân quân biển tập trung đạt chất lượng, có hiệu quả, là lực lượng tiên phong trong việc tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử xây dựng đất nước luôn đi đôi với  bảo vệ đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhận thức sâu sắc rằng công cuộc xây dựng đất nước phải gắn chặt với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên đất liền cũng như trên biển. Để thực hiện được chiến lược đó, cần kiên định thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Từ tư tưởng chủ đạo đó, có thể coi vai trò của ngư dân là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Xây dựng mô hình trung đội dân quân biển tập trung là bước đi quan trọng trong việc huy động ngư dân tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những kết quả bước đầu qua 2 năm thực hiện cho thấy tính đúng đắn của chủ trương này và mô hình này cần được củng cố, nhân rộng hơn trong thời gian tới.

Đà Nẵng là thành phố biển, có lực lượng khai thác, đánh bắt hải sản hùng hậu với hơn 1.090 phương tiện đánh bắt các loại và trên 5.000 lao động. Số lượng tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên có 236 chiếc, trong đó có 113 chiếc công suất từ 400CV trở lên. Địa bàn hoạt động của ngư dân Đà Nẵng rộng, từ vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa đến vùng Vịnh Bắc Bộ. Lực lượng đánh bắt hải sản được tổ chức thành các tổ đội và các nghiệp đoàn nghề cá. Đây là tiềm năng rất lớn để tổ chức, phát triển lực lượng dân quân tập trung trên biển.

Vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã và đang diễn biến phức tạp. Nước ngoài sẽ có những động thái mới nhằm gây căng thẳng, mất an ninh, an toàn tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vì vậy, việc tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc là nhiệm vụ hàng đầu. Đối với lực lượng dân quân biển, cần không ngừng nâng cao chất lượng chính trị, độ tin cậy và hiệu quả hoạt động; cần tổ chức quản lý, chỉ huy chặt chẽ, duy trì sinh hoạt đều đặn và bảo đảm chế độ chính sách cho dân quân cũng như chủ phương tiện hoạt động. Tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

TƯỜNG VY

;
.
.
.
.
.