.

Băn khoăn với chấm điểm bằng lời

Từ ngày 15-10, ngành giáo dục-đào tạo sẽ thôi chấm điểm học sinh tiểu học theo cách truyền thống, thay vào đó giáo viên sẽ ghi lời nhận xét vào vở học sinh. Việc chấm điểm chỉ thực hiện khi kiểm tra cuối học kỳ 1 và cuối năm học. Thông tư 30/2004/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chủ trương mới nhằm hạn chế “bệnh” thành tích và nạn dạy thêm, học thêm ở bậc học này; song không tránh khỏi những băn khoăn.

Thay vì chấm điểm theo thang điểm 10, giáo viên sẽ đánh giá ở các mức hoàn thành hoặc chưa hoàn thành đối với kết quả học tập các môn và hoạt động giáo dục; đánh giá để xếp loại đạt hoặc chưa đạt đối với mức độ hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực. Bỏ chấm điểm sẽ không gây áp lực điểm số cho học sinh, nhưng phụ huynh băn khoăn: Lâu nay theo dõi tình hình học tập của con qua điểm số, nay không có điểm số nữa không biết nắm tình hình học tập của con như thế nào, thực lực con mình đến đâu, yếu kém ở phần nào để kèm cặp, bổ sung cho con phần kiến thức yếu kém?...

Khác với chấm điểm một bài kiểm tra vốn có đáp án, phương pháp chấm điểm bằng lời viết vào phiếu, vở học sinh, sổ theo dõi chất lượng học tập sẽ buộc giáo viên phải có quá trình tư duy để nhận xét thực chất mức độ năng lực hoàn thành bài học mỗi học sinh. Đối với nội dung đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, yêu cầu giáo viên không chỉ phải quan sát kỹ từng em mà còn kiểm tra, thu thập thông tin bên ngoài hoạt động của các em ở trường mới có thể đánh giá khách quan. Những nội dung yêu cầu giáo viên phải đánh giá như: chăm việc nhà giúp đỡ cha mẹ; quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ, anh chị em; không nói dối, nói không đúng về người khác; tôn trọng lời hứa, giữ lời hứa; quý trọng người lao động; yêu trường, lớp, quê hương, đất nước; tích cực tham gia hoạt động, phong trào học tập, lao động và hoạt động thể thao, nghệ thuật ở địa phương... Đó là những tiêu chí đánh giá không đơn giản đối với giáo viên.

Hoạt động đánh giá của giáo viên được yêu cầu phải thực hiện hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng sẽ là áp lực rất lớn cho giáo viên. Đơn cử trong việc đánh giá kết quả học tập mỗi bài học của học sinh, liệu giáo viên có đủ thời gian ghi lời nhận xét vào vở của khoảng 40 em học sinh? Giáo viên có thực hiện được yêu cầu hằng tháng phải trao đổi với khoảng 40 phụ huynh trước khi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng học tập? Liệu áp lực quá tải lên giáo viên thực hiện chấm điểm bằng lời có dẫn đến sự thiếu sót, thiếu khách quan trong đánh giá không? Liệu sự quá tải đối với giáo viên có dẫn đến tình trạng đánh giá chung chung để rồi lại quay trở lại rơi vào “bệnh” thành tích, “bệnh” hình thức?

Yêu cầu đối với giáo viên tiểu học mà Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT đặt ra rất cao. Giáo viên thực hiện phương pháp đánh giá mới phải đầu tư nhiều công sức, thời gian tập trung vào học sinh mới có khả năng đánh giá toàn diện, thực chất học sinh của mình chính xác và khách quan. Vì vậy, thiết nghĩ, cần có chính sách đãi ngộ tương xứng để giáo viên tiểu học toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ có tính chất đột phá trong đổi mới giáo dục mà không phải lấn cấn hay nảy sinh nhu cầu dạy thêm để cải thiện đời sống.

Bên cạnh đó, thay đổi một phương pháp truyền thống không đơn giản chỉ qua ít ngày tập huấn là có thể thực hiện một cách hiệu quả ngay. Giáo viên cần có thời gian làm quen, thích ứng với phương pháp mới, tích lũy kinh nghiệm. Thực hiện phương pháp mới cũng cần phải tuyên truyền, vận động phụ huynh có ý thức chủ động phối hợp trong việc thường xuyên trao đổi thông tin với giáo viên để tham gia vào quá trình đánh giá học sinh. Mặt khác, để hạn chế “bệnh” thành tích, tình trạng dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học..., phải giải quyết thật tốt những băn khoăn nêu trên mới mong đạt được mục tiêu tốt đẹp của thông tư này.

ĐAN LÊ

;
.
.
.
.
.