.

Chỗ đậu xe, chuyện không khó!

Theo thống kê, đến nay thành phố Đà Nẵng có gần 40.000 ô-tô và 700.000 xe máy. Tốc độ tăng về lưu lượng xe cộ được đánh giá là gấp đôi sau mỗi chu kỳ 5 năm. Vấn đề này tạo ra những hậu quả gì và bài toán quản lý sẽ ra sao, chắc hẳn là mối quan tâm của toàn xã hội.

Mỗi nhà dân ở thành phố bây giờ đều có từ 3 - 4 xe máy các loại là bình thường. Riêng ô-tô, chúng ta chưa có những phân tích bao nhiêu là xe du lịch cá nhân, xe vận tải các loại và xe vận chuyển hành khách công cộng. Theo lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện cơ giới thành phố, hiện nay lượng taxi trên địa bàn đã ngót nghét 1.000 chiếc.

Nếu cộng cả taxi và ô-tô du lịch các loại, số lượng đã chiếm trên 1/3 tổng số ô-tô. Trong lúc xe máy có thể dắt vào nhà, thì chỗ đậu ô-tô lại tạo nên những quan ngại về công bằng, an toàn giao thông lẫn trật tự xã hội; bởi hầu hết các tuyến giao thông trong thành phố đều hẹp nên không bảo đảm cho ô-tô đậu đỗ hai chiều, nhất là các khu vực có nhiều nhà hàng, khách sạn trên địa bàn trung tâm.

Thông tin báo chí từ hai năm nay cho thấy: “Chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp như cắm biển cấm đậu xe trên các tuyến dễ xảy ra ùn tắc, thí điểm bố trí các điểm được đậu trên 10 tuyến đường và quy định xử phạt thí điểm khu vực nội thành theo Nghị định số 71/2012/NĐ-CP. Sở Giao thông vận tải thành phố cũng đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, xử lý các vi phạm, tập trung kiểm tra thường xuyên các tuyến đường trọng điểm, yêu cầu doanh nghiệp taxi ký cam kết không tập kết xe trên một số tuyến đường”.

 Nhưng, các “giải pháp” nêu trên chỉ rộ lên trong những chiến dịch, trong các đợt “tuần lễ an toàn giao thông…” rồi đâu lại vào đó! Trong khi cấm taxi của một hãng này thì hãng khác vẫn ngang nhiên đưa xe đến đậu, lập cả tổ điều hành thường trực trước các khách sạn, chiếm chỗ đậu xe công cộng dài hàng trăm mét trên các tuyến đường. Đặc biệt, tại đường Bạch Đằng, khu vực chợ Hàn đã bị các hãng taxi “độc chiếm”, người đi chợ, mua sắm khó tìm ra chỗ đậu!

Vấn đề cần nêu ra là: Các vị trí được xem là công cộng thì quyền lợi và trách nhiệm của mọi công dân đều ngang nhau! Do vậy, việc đậu ô-tô ở những nơi đó đều được minh bạch về thời gian và mức phí. Ở các thành phố lớn thuộc các nước ASEAN thôi, thật khó có thể thấy các hãng taxi chiếm chỗ công cộng để đậu xe đón khách như vậy. Đậu xe quá thời gian quy định hoặc chỉ cần quên nộp tiền (tự động) đều bị phạt gấp 10 lần. Tại sao Đà Nẵng không làm được?

“Về giải pháp lâu dài, Sở Giao thông vận tải cũng có nhiều phương án kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các điểm đỗ xe công cộng và đề xuất UBND thành phố chỉ đạo khi xây dựng các nhà hàng, khách sạn phải thực hiện nghiêm các quy định về bãi đỗ xe...”. Thông tin dẫn trên trở thành cách hành xử cho phải lẽ trong một văn bản hành chính lâu nay của chúng ta, hơn là những tham vọng được quan tâm trên thực tế! Lâu dài là bao giờ?

Chúng ta đã có quy hoạch bao nhiêu điểm đậu xe công cộng trên địa bàn và ai là nhà đầu tư? Ở nhiều nơi, người ta quy định rằng nếu bạn sắm ô-tô, trước hết bạn phải chứng minh chỗ đậu xe hợp pháp của bạn! Nếu chưa có ga-ra ở nhà riêng, phải có hợp đồng thuê chỗ đậu xe ở bãi công cộng, trong chung cư. Các nhà hàng, khách sạn nếu không có bãi đậu xe cho khách sẽ không được phép hoạt động. Đó là những kinh nghiệm quản lý không quá khó để học tập.  

Nếu nói là “thành phố đáng sống”, thì chuyện chỗ đậu xe như chúng ta vừa đề cập cũng là việc… đáng mổ xẻ vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.