Buổi đầu làm quen lớp, giảng viên bộ môn Xã hội học ghi lên bảng các thông tin gồm tên, địa chỉ nhà, số điện thoại cố định và di động của cô, rồi quay xuống nói: “Khi các em gặp bất kỳ vấn đề rắc rối nào về tâm lý, đừng tự tử, hãy gặp cô hoặc gọi điện thoại giãi bày với cô vào bất kể giờ nào”.
Các tân sinh viên như tôi mắt tròn mắt dẹt khi nghe lời mào đầu “lạ lùng” từ cô. Bởi suốt bao năm học phổ thông, chúng tôi chưa từng nghe giáo viên nào nói thẳng điều này với học sinh cả. Các thầy cô luôn tận tình giảng dạy và làm tròn nghĩa vụ đối với bộ môn mình phụ trách. Riêng phần gỡ rối tâm tư, tình cảm của học sinh dường như là vấn đề cá nhân và thầy cô nếu vô tình biết được thì chia sẻ, còn không cũng không phải là trách nhiệm phải nhận về mình.
Có một sự thay đổi đáng kể so với những năm trước, đó là kể từ năm học 2014, ngành GD&ĐT Đà Nẵng sẽ bố trí 10 giáo viên tâm lý vào các trường THPT (toàn thành phố có 21 trường THPT) để đảm nhiệm công việc gỡ rối, tư vấn tâm lý cho học sinh. Như vậy, học sinh từ năm học này có thể không còn tròn mắt ngơ ngác về khái niệm chuyên gia tâm lý hay giáo viên tâm lý trong trường học nữa. Bởi chính các em sẽ trực tiếp làm việc, trao đổi, giải quyết những khúc mắc trong tâm hồn mình với giáo viên tâm lý của-chính-mình.
Trong khi xã hội đang loay hoay tìm giải pháp cho tình trạng bạo lực học đường, yêu sớm, tự kỷ, tự tử, v.v… trong lứa tuổi học sinh, thì số vụ việc liên quan đến các hiện tượng trên vẫn đều đều tăng như một hội chứng lan truyền không phanh. Giới trẻ nói chung, học sinh nói riêng, nhiều em giải quyết vấn đề theo chiều hướng tiêu cực, nhưng vẫn cho rằng đó là cách đơn giản và hiệu quả để kết thúc mọi rắc rối. Mọi người thường nói “con nít bây chừ thông minh hơn các thế hệ trước”.
Ý nói rằng các em biết nhiều hơn, tiếp cận với nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại và nắm bắt thông tin nhanh nhạy hơn. Thậm chí, các em có thể tranh luận đầy thuyết phục với bố mẹ về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, v.v… Nhưng thực tế không mấy vui vẻ là ngược với kiến thức ngày càng rộng mở, sự tương tác giao tiếp trực tiếp giữa người với người đối với trẻ em ngày càng thu hẹp. Những cái kết đáng buồn trong xử lý tình huống thực tế với bạn bè, người yêu, gia đình của những người trẻ đa phần có chung nguyên nhân là trước đó các em không biết giãi bày khủng hoảng tâm lý cùng ai và không được ai chia sẻ cách vượt qua khủng hoảng.
Hy vọng đội ngũ giáo viên tâm lý trong trường học sẽ là “người bạn đồng hành” của học sinh để đi cùng các em qua những chênh vênh trong tâm hồn tuổi mới lớn, từ đó phần nào hạn chế những kết cục đau lòng do các em thiếu người đồng cảm và định hướng cách giải quyết vấn đề. Nói là “bạn đồng hành”, bởi ngại nhất là thầy cô tâm lý chỉ “làm giờ hành chính” hoặc ra dáng nghiêm nghị, uy nghi để học sinh “nể”. Học sinh mà “nể” quá, không dám tiếp cận, chia sẻ thoải mái với thầy cô thì đâu rồi cũng vào đấy.
“Hãy nói cho cô/thầy nghe mọi điều em đang lo lắng, băn khoăn!”. Hy vọng năm học này, học sinh THPT Đà Nẵng sẽ được mở lòng nhiều hơn từ lời gợi ý này. Để không chỉ có chuyện bị bạn bắt nạt, sợ bạn đánh, mà cả những điều thầm kín riêng tư như lỡ “yêu”, buồn tình, đồng tính cũng được các em nói ra hết nỗi lòng mình với các thầy cô.
HƯỚNG DƯƠNG