Trước vấn nạn xe tải chở quá tải hoạt động tràn lan khắp nơi, khiến hạ tầng giao thông xuống cấp nghiêm trọng, tai nạn giao thông (TNGT) trở thành nỗi ám ảnh trên mọi nẻo đường, việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng các địa phương lập các trạm cân trên cả nước được rất nhiều người kỳ vọng là “liều thuốc” đủ mạnh để trị dứt điểm căn bệnh mãn tính này.
Thực tế những ngày đầu ra quân, cánh xe tải trên cả nước đều... hạ tải mỗi khi tham gia giao thông. Đơn giản do các lực lượng chức năng có cân, xe chạy qua là có ngay kết quả quá tải hay không. Nếu quá tải, số tiền phạt là rất lớn, vì vậy cả tài xế lẫn chủ doanh nghiệp không dám liều lĩnh và cãi bướng như trước đây. Những tưởng rằng căn bệnh nan giải lâu nay sẽ được trị dứt điểm; thế nhưng, trên thực tế, cánh tài xế đã có vô số chiêu thức để qua mặt các trạm cân, trong khi các trạm cân xe lưu động không hiểu sao hiểu sao lại khá chậm trong việc “bắt bài” cánh tài xế. Một ví dụ điển hình: Ngày 7-9, một đoàn xe “khủng” chở vượt tải 70-100% đã ung dung vượt qua 700km đi xuyên 6 tỉnh của miền Trung, chỉ bị phát hiện và xử lý tại trạm cân ở tỉnh Hà Tĩnh theo yêu cầu từ… Bộ GTVT do có thông tin qua đường dây nóng!
Lại chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”! Vì làm sao những chiếc xe tải to lớn và đi thành đoàn như thế lại lọt qua được nhiều trạm cân được tổ chức chốt trực 24/24 giờ một cách an toàn? Mãi đến khi ký biên bản vi phạm, chính các tài xế này kể ra các chiêu để lọt qua các trạm hết sức đơn giản; như để qua trạm cân ở Đà Nẵng là chỉ cần canh lúc cán bộ, nhân viên trạm này ăn cơm tối. Nghe thì lạ thế nhưng thực tế nếu chịu khó theo dõi hoạt động của trạm cân tải trọng xe của Đà Nẵng là thấy có lý. Không hiểu các tài xế thông tin nhau bằng cách gì mà hằng ngày từ thời điểm nhá nhem tối, xe lại ào ào qua trạm, càng về khuya cánh tài xế càng táo tợn vượt trạm với những thùng xe đầy ngất ngưởng.
Có nhiều cách giải thích sự “xuống sức” mỗi khi đêm xuống tại trạm cân như cả ngày làm mệt mỏi nên tối khó đảm bảo sự tỉnh táo cao nhất; hoặc ban đêm tầm nhìn hạn chế nên khó có thể quan sát được xe nào có khả năng quá tải hay không mà yêu cầu dừng xe để cân; hoặc lực lượng còn mỏng không đủ sức dừng những đoàn xe quá tải cùng lúc lao qua... Nói chung là có lắm lý do để lý giải.
Thế nhưng, ở trạm cân Đà Nẵng, bên cạnh “cái khó” lại “ló” cái… khó hiểu là không biết vì sao trạm cân cứ đặt ở những vị trí không trùng với những đoạn đường xe ben tung hoành. Trước đây dư luận thấy lạ khi trạm cân đặt trên quốc lộ 14B bị “lệch” đi vài chục mét khiến cho đoàn xe chở đất từ trường bắn 327 hoạt động như chỗ không người, thì kế đến lại đặt tại vị trí trên quốc lộ 1A gần trụ sở xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang), cũng không trúng vào cung đường hoạt động của cánh xe ben chở đất từ quốc lộ 14B về đường ĐT 602.
Những tưởng rằng sau hai lần chưa chọn được vị trí đắc địa thì lần di chuyển thứ 3 này chuyển vô trong xã Hòa Phước sẽ tốt hơn, thế nhưng thêm lần nữa cũng nằm “chệch” vị trí của cánh xe ben hoạt động khoảng chừng... 50 mét. Chính vì sự chệch hướng đó mà cánh xe ben đang san lấp cho công trình khu dân cư nằm gần chân cầu Hòa Phước cứ vô tư chở đất đầy ắp thùng, mà loại xe DONFFENG chỉ cần 2/3 thùng là quá tải.
Ngày 30-7, tại cuộc họp với Bộ Công an và Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu phải xử lý nghiêm hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, hiện tượng “xã hội đen” thao túng, bảo kê, hình thành lợi ích nhóm cũng như một bộ phận nhân viên tiêu cực… tại các trạm cân. Như vậy, lãnh đạo Chính phủ đã nhìn thấy và đã chỉ rõ ra “căn bệnh” hiện nay tại các trạm cân. Vấn đề là bản thân các trạm cân có ý thức được trách nhiệm của mình để từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ hay là chỉ kể khó kể khổ để rồi xe quá tải vẫn có “đường” để đi qua trạm?
THANH VÂN