.

Người tiêu dùng trước hết!

Nhân Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ VIII - đơn vị thường trực triển khai thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chúng tôi xin nêu một số ý kiến sau đây, trên cơ sở xác định nội hàm của cuộc vận động, bao gồm “Người Việt Nam tiêu dùng” và “Người Việt Nam sản xuất-bán hàng”.

Dùng hàng sản xuất trong nước mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, phát huy lòng yêu nước, thể hiện ý chí tự lực tự cường, thỏa mãn tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng với chất lượng hàng hóa, dịch vụ tốt hơn… là những mục đích rất rõ ràng của cuộc vận động. Các chương trình xã hội mang tên “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, giải thưởng “Sao vàng đất Việt”… trong những năm qua, tuy có tên gọi khác nhau nhưng cùng chung mục đích và ý nghĩa…

Tuy vậy, nhìn vào thực tế vẫn còn lắm băn khoăn.

Trước hết là vai trò gương mẫu của lãnh đạo, cán bộ, công chức (trong đó có đảng viên) trong thực hiện cuộc vận động. Trả lời câu hỏi, cán bộ, công chức chúng ta đã làm tốt việc này chưa, tôi cho rằng chưa! Cứ gặp các quan chức ở nơi công cộng, từ cấp quận, huyện trở lên, ai cũng thấy trang phục, trang sức, phương tiện đi lại của họ đa số là hàng ngoại. Kể cả cái vợt chơi tennis, đôi giày thể thao! Đến chơi nhà bạn bè là cán bộ cấp lãnh đạo cơ quan Nhà nước lẫn doanh nghiệp, nhà ai cũng trưng bày tủ rượu, salon, hút thuốc nhập khẩu… cả vật liệu trang trí nội thất. Nhiều người còn tỏ vẻ hãnh diện vì “hơn người” khi có được những tiện nghi cuộc sống như vậy.

Một hôm đi siêu thị Metro, gặp mẹ con một chị lãnh đạo tổ chức doanh nghiệp đang đẩy xe vào các quầy hàng. Tôi lẳng lặng quan sát. Thì ra không chỉ họ ăn mặc đẹp, trang sức đắt tiền mà còn ghé mua toàn thịt bò Úc, xúc xích Thái Lan, bia Đức… Mới đây, trong lúc chờ máy bay ở sân bay Incheon (Hàn Quốc), tôi vào các quầy hàng miễn thuế, lại gặp nhiều cán bộ từ trong nước sang mua sắm, chủ yếu là những món hàng đắt tiền!

Ta vẫn thường nghe đến thuộc lòng câu “Đảng viên đi trước, làng nước đi sau”. Nhưng nhìn tất cả các hiện tượng trên, e rằng giữa lời nói và việc làm của chúng ta hãy còn cách biệt lắm, theo hướng tiêu cực! Cho nên, cuộc vận động dùng hàng Việt Nam, nên bắt đầu từ vận động sự làm gương của cán bộ! Cuộc vận động này được đúc kết cụ thể, định kỳ và công khai… may ra mới thuyết phục.

Thứ đến, gần đây các siêu thị ở Đà Nẵng, để bán được hàng, người ta tổ chức nhiều chuyến xe miễn phí đi các vùng nông thôn đưa khách ra mua sắm và đưa về, mỗi ngày nhiều chuyến. Riêng siêu thị Co.opMart thì tổ chức nhiều điểm bán hàng lưu động ở các vùng nông thôn trong các dịp lễ, Tết. Mỗi nơi vài ba ngày. Siêu thị này cũng đang tiến hành mở các điểm bán lẻ cố định ở một số thị trấn.

Giới kinh doanh siêu thị người ta nhắm đến thị trường nông thôn, tuy sức mua thấp nhưng dân số đông và dễ tính đối với nhiều mặt hàng sản xuất trong nước, những mặt hàng đang thời kỳ bán giảm giá. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, cũng thấy rằng những chuyến bán hàng, đưa rước khách như vậy không phải nhắm đến quyền lợi của người tiêu dùng mà là mục đích “xả hàng tồn kho” cho nhà kinh doanh thương mại nhiều hơn. Tôi từng vào mua hàng ở một địa điểm nông thôn như vừa kể, thấy ít hàng mới về và tất nhiên chất lượng cũng không cao!

Đây là vấn đề cần lưu tâm, bởi dân ta đa số ở nông thôn. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần đặt trọng tâm trước hết vào đối tượng “Người Việt Nam tiêu dùng” nhiều hơn là “người Việt Nam sản xuất và làm dịch vụ”. Bởi người sản xuất và người làm dịch vụ thương mại muốn tồn tại trong thị trường cạnh tranh phải tự biết họ phải làm gì.

Còn người tiêu dùng nghèo, thu nhập từ nông nghiệp luôn đau đáu với đồng tiền dè sẻn hằng năm nhỏ nhoi của mình, trong khi sản phẩm họ làm ra thường có giá trị thấp và đầu ra khá ảm đạm! Các siêu thị, nhà kinh doanh thương mại cần định kỳ tổ chức các chợ phiên bán hàng ở các vùng nông thôn trên cơ sở điều tra thực tế nhu cầu từng vùng; đồng thời nghiên cứu thu mua sản phẩm của vùng đó trên cơ sở đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua theo tiêu chuẩn cao hơn chất lượng truyền thống. Như một loại “hợp đồng hai chiều” mà trước đây đã từng làm.

Như vậy, vừa bán được hàng theo nhu cầu người tiêu dùng lại vừa kích thích sức sản xuất của mỗi địa phương! Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như vậy mới tạo ra sự công bằng trong nền kinh tế, hơn là cứ vẫn tài trợ cho người sản xuất và làm dịch vụ một chiều như lâu nay. Trong khi người tiêu dùng thì cứ “được vận động” chung chung!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.