.

Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt

Trong 10 ngày qua, nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho người dân thành phố gặp khó khăn do sông Yên kiệt nước bất thường và sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng vì các nhà máy thủy điện (NMTĐ) ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn đang tập trung tích nước và trời ít mưa. Biến cố bất thường này cùng với đợt thiếu nước sinh hoạt xảy ra vào giữa tháng 8 cho thấy việc chậm khắc phục những tác động tiêu cực của thủy điện ảnh hưởng không hề nhỏ đến kinh tế và đời sống của người dân thành phố.

Nước chảy đi đâu hết? Tại sao mực nước sông Vu Gia hạ thấp như vậy? Đó là những câu hỏi thường trực của các cán bộ, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi, Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng và của chính chúng tôi.

Ngay đầu mùa lũ, mực nước sông Vu Gia tại Trạm Thủy văn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) luôn duy trì ở mức thấp từ 2,3-2,5m đã là điều bất thường vì thấp hơn mực nước trung bình hằng năm vào thời điểm này từ 1-1,2m. Đặc biệt, có nhiều giờ liên tục hạ thấp xuống mức kỷ lục từ 2,25-2,28m, nên nguồn nước về sông Yên suy kiệt và gây nhiễm mặn nặng cho sông Cầu Đỏ.

Như quy trình vận hành và thông lệ hằng năm, vào đầu mùa lũ, đập dâng An Trạch phải mở hết các cửa xả để đề phòng trường hợp lũ về sông Yên bất ngờ. Nhưng suốt 10 ngày qua, đập dâng này chỉ mở 1 cửa xả và các đập dâng Bàu Nít, Hà Thanh, Thanh Quýt phải đóng kín cửa để bảo đảm chiều cao cột nước cho Trạm bơm phòng mặn An Trạch hoạt động an toàn, đưa nước thô về nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay sản xuất, cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố.

Tuy vậy, mực nước sông Yên tại cửa thu trạm bơm này hạ thấp xuống mức từ 1,5-1,7m. Nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn rất nặng, có lúc độ mặn lên đến 5.600mg/l. Nguồn nước thô để sản xuất nước sinh hoạt cung cấp cho người dân thành phố hoàn toàn được bơm từ Trạm bơm phòng mặn An Trạch nhưng có nhiều giờ không ra lệnh vận hành trạm bơm này khi mực nước hạ xuống mức 1,4m. Nếu sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng và sông Yên kiệt nước kéo dài thì nguy cơ lặp lại đợt thiếu nước sinh hoạt như giữa tháng 8 rất cao, có khi nghiêm trọng hơn. Điều đáng nói là trạm bơm này cũng chỉ được thiết kế để hoạt động dự phòng trong trường hợp sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng. Nhưng 3 năm qua phải hoạt động gần như thường xuyên và liên tục. Tình trạng này kéo dài sẽ xảy ra nhiều sự cố và bất ổn trong cấp nước sinh hoạt.

Với 2 câu hỏi nói trên, câu trả lời không khó khi kết quả quan trắc cho thấy mực nước hồ chứa NMTĐ A Vương tăng lên hơn 5m sau 20 ngày tập trung tích nước, còn hồ chứa NMTĐ Sông Bung 4 cao hơn mực nước chết 2,5m. Sông Vu Gia có tổng diện tích lưu vực 5.180km2, trong đó sông Bung 2.530km2, sông Đăk Mi và sông Cái 1.900km2, sông Côn 627km2. Sông Côn đã bị NMTĐ Sông Côn chặn dòng. Sông Bung cũng bị các NMTĐ bậc thang chặn dòng, đều là công trình thủy điện loại sau đập, chiều cao cột nước để phát điện chủ yếu được tạo bởi đập dâng nên tích nước một thời gian rồi xả nước phát điện, hoàn toàn không tích trữ được nước vào mùa mưa lũ rồi dùng vào mùa khô.

Như vậy, cùng với NMTĐ Đăk Mi 4 chuyển nước hoàn toàn từ sông Đăk Mi sang sông Thu Bồn để phát điện, các NMTĐ bậc thang ở cuối dòng sông Bung là tác nhân gây suy kiệt nguồn nước sông Vu Gia và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân thành phố Đà Nẵng.   

Nhiều lần lãnh đạo của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đã phản ánh về tình trạng NMTĐ A Vương xả nước theo yêu cầu thì phía dưới, 2 NMTĐ Sông Bung 5 và Sông Bung 6 tích nước lại, sau đó mới phát điện, làm các trạm bơm gặp bất lợi. Chi cục đã kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giải pháp để NMTĐ Sông Bung 5 và Sông Bung 6 xả nước phát điện đúng như NMTĐ A Vương xả xuống nhằm duy trì dòng chảy và nâng cao mực nước sông Vu Gia, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết.

Điều đáng nói là thời điểm này, các công trình thủy lợi và thủy điện đang vận hành theo quy trình vận hành mùa lũ, các đơn vị không quan tâm đến mực nước sông Vu Gia hạ thấp và có trách nhiệm đề xuất vận hành điều tiết nước từ các hồ thủy điện để bảo đảm cấp nước sinh hoạt. Quy trình vận hành liên hồ chứa NMTĐ A Vương, Đăk Mi 4 và Sông Tranh 2 trong mùa lũ vừa được Chính phủ phê duyệt lại không hề đề cập đến tình huống khô hạn, thiếu nước ngay đầu mùa lũ và cuối mùa lũ mà chỉ đề cập ngắn ngủi: “Khi không tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, nếu có yêu cầu của UBND thành phố Đà Nẵng, hồ chứa NMTĐ Đăk Mi 4 phải xả nước về hạ lưu sông Vu Gia theo yêu cầu nhưng không vượt quá lưu lượng 12,5m3/s”. Thực tế, lưu lượng xả nước quá nhỏ này chỉ đủ “cứu” dòng sông “chết” Đăk Mi mà thôi!

Những tác động tiêu cực của các NMTĐ đối với việc bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho hạ du còn chậm khắc phục và điều chỉnh ngày nào thì còn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt ngày đó, kể cả trong mùa lũ.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.