Hôm nay (25-9), tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019) chính thức khai mạc. Với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững hòa bình, chủ quyền quốc gia, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc”, Đại hội là sự kiện chính trị đang được đông đảo người dân quan tâm.
Người dân kỳ vọng Đại hội VIII của MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy sứ mệnh lịch sử và nâng vai trò, vị trí của mình lên một tầm cao mới, chiều sâu mới. Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta, được tiếp nối và phát triển qua các thế hệ người Việt Nam. Tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc là chức năng lịch sử của Mặt trận sẽ được tiếp tục phát huy phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của đất nước.
Đoàn kết trong từng địa phương, từng tổ chức, đoàn kết giữa những cá nhân đều phải xuất phát từ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Điều này hoàn toàn khác với đoàn kết giữa các tổ chức, các cá nhân vì cùng chung lợi ích còn gọi là lợi ích nhóm đang là hiện tượng gây bức xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, hiện tượng một bộ không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức, tham nhũng, tiêu cực, chạy chọt đang là nguy cơ, là thách thức đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc. MTTQ Việt Nam đã và sẽ làm gì để loại bỏ tiêu cực trong xã hội, lấy lại niềm tin của người dân? MTTQ Việt Nam cần tạo ra bước chuyển biến tích cực để bảo đảm sự đoàn kết toàn dân tộc, sự thống nhất trong toàn Đảng.
MTTQ Việt Nam các cấp đã tích cực thực hiện hoạt động giám sát đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cán bộ, công chức, đảng viên; tham gia góp ý kiến xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, kết quả đạt được chưa cao, thậm chí vẫn còn hình thức, còn “hành chính hóa” trong hoạt động Mặt trận.
Bộ Chính trị đã ban hành các quyết định về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Để thực hiện tốt chức năng này, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải có đủ năng lực, trình độ, bản lĩnh để giám sát, phản biện. MTTQ các cấp, nhất là ở cơ sở phải sát cánh, chia sẻ những bức xúc, khó khăn, oan trái của người dân; có tiếng nói phản biện mạnh mẽ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, đoàn viên và những người yếu thế trong xã hội.
Trước mắt, cần tham gia một cách hiệu quả giám sát, phản biện những dự thảo nghị quyết Đại hội tổ chức Đảng các cấp, công tác nhân sự cấp ủy Đảng tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Người dân kỳ vọng MTTQ Việt Nam làm tốt hơn, thực chất hơn và cụ thể hơn nữa công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng cán bộ, đảng viên trong sạch vững mạnh.
Công tác cán bộ của MTTQ Việt Nam trước yêu cầu hiện nay cũng đặt ra vấn đề cần có đổi mới thật sự. Thực tế, hoạt động của Mặt trận và vai trò, hình ảnh cán bộ Mặt trận ở nhiều nơi còn mờ nhạt, bị động, sa vào tình trạng hành chính hóa công tác và cán bộ Mặt trận.
Cần có sự quan tâm đầu tư thích đáng cho công tác cán bộ Mặt trận, song, muốn Mặt trận mạnh, hoạt động có hiệu quả trước hết tự thân mỗi cán bộ Mặt trận các cấp phải mạnh từ nhận thức và hành động đúng với vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận đã được xác định đầy đủ trong các văn kiện của Đảng, của Quốc hội, cụ thể nhất là Hiến pháp 2013.
Người dân đang mong chờ cán bộ Mặt trận thật sự nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; trọng dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân. Cán bộ Mặt trận phải sát cơ sở hơn nữa, kiến nghị các cấp, các ngành giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc của người dân, đi vào từng tầng lớp nhân dân, lượm nhặt những suy nghĩ của mỗi số phận con người để có thể có cách giải quyết thỏa đáng lợi ích và yêu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.
Cán bộ Mặt trận còn phải có niềm cảm thông, gần dân và biết chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn của công dân nơi cư trú, là nơi mà người dân có thể tìm đến để giãi bày, tâm sự. Làm sao tiếng nói của Mặt trận dễ đi vào lòng người, Mặt trận phải nói tiếng nói của nhân dân.
HOÀNG ANH