.

Nuôi dưỡng tình yêu văn học-nghệ thuật

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật (VHNT) thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014-2019 diễn ra trong hai ngày (23 và 24-9) là dịp để nhìn lại chặng đường 5 năm qua và hoạch định đường hướng của 5 năm tới, trong lúc lãnh đạo thành phố đặc biệt chú trọng việc đầu tư văn hóa, để văn hóa xứng tầm với sự phát triển của một thành phố động lực miền Trung.

Nhiều người làm VHNT tại Đà Nẵng, thậm chí từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đều thừa nhận rằng làm VHNT ở thành phố bên sông Hàn quả thật không dễ! Vì vậy, những thành quả mà các Hội thuộc Liên hiệp các Hội VHNT thành phố đạt được trong 5 năm qua rất đáng trân trọng. Bởi lẽ, những thành quả đó là sự nỗ lực bền bỉ, xuất phát từ tình yêu mảnh đất và con người Đà Nẵng.

Giải thưởng văn học Đông Nam Á, Giải thưởng văn học sông Mekong, Huy chương vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP, giải Ogawa Shinsuke - giải cao nhất hạng mục phim tài liệu châu Á tại Liên hoan phim quốc tế ở Nhật Bản… đủ minh chứng rằng, không hẳn người Đà Nẵng không đủ tài trong lĩnh vực VHNT, không hẳn mảnh đất này không bồi đắp được những tâm hồn VHNT.

Khi bộ phim tài liệu Mrs. Bua’s Carpet (Chiếc chiếu của bà Bứa) được xướng tên tại Nhật Bản với giải Ogawa Shinsuke vào năm ngoái, đạo diễn Dương Mộng Thu (công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng) đã thật sự xúc động.

Đạo diễn Dương Mộng Thu kể rằng, các tình nguyện viên của Liên hoan phim chúc mừng chị bằng cách hát đi hát lại một câu mà họ biết: “Việt Nam, Hồ Chí Minh/ Việt Nam, Hồ Chí Minh”, chị đã rơi nước mắt. Bộ phim với thông điệp về tình người, về lòng vị tha và hơn cả là thông điệp hòa bình đã mang vinh quang về cho đất nước Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Và đây là một trong những niềm tự hào của Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng, là động lực để những người trong ngành tiếp tục nỗ lực lao động sáng tạo, đóng góp cho nền VHNT của thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều trăn trở. Thực tế, không thể phủ nhận nhiều chuyên ngành thuộc lĩnh vực VHNT, từ văn học đến mỹ thuật, điện ảnh, âm nhạc, sân khấu… vẫn chưa thật sự phát triển tương xứng với tầm vóc của một thành phố đô thị loại 1 và còn khoảng cách khá xa so với hai đầu đất nước (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).

NSƯT Hoàng Hải nói với người viết rằng, anh đau đáu việc khôi phục sân khấu kịch nói tại Đà Nẵng. Nhiều người từng là diễn viên Đoàn kịch nói Quảng Nam-Đà Nẵng, nay đã rẽ sang những ngành nghề khác, cũng mong muốn như vậy, bởi họ nhớ “nghề”, nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ khán giả. Và hơn hết, trong họ vẫn cháy bỏng tình yêu nghề. Song, việc khôi phục sân khấu kịch nói trong lúc có quá nhiều loại hình giải trí hiện nay là điều không đơn giản, đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó vấn đề nan giải nhất là chuyện kinh phí.

Lĩnh vực âm nhạc cũng đáng để bàn luận bởi lâu nay, người Đà Nẵng cứ băn khoăn về việc vẫn chưa có ca khúc hay, mang hơi thở và “thương hiệu” của thành phố, đủ để lay động trái tim của khán giả cả nước. Đồng thời, đời sống âm nhạc của thành phố cũng dường như trầm lắng, chỉ “nóng” lên từ 1-2 năm nay từ khi các chương trình ca nhạc được đầu tư, dàn dựng bài bản xuất hiện nhiều hơn, nhưng hầu hết các ca sĩ từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến biểu diễn, chứ nếu đơn thuần ca sĩ ở Đà Nẵng thì sẽ khó “kéo” khán giả đến rạp. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề này và để tìm được lời giải thì không phải là chuyện một sớm một chiều.

Đà Nẵng có nội lực để ươm mầm và phát triển VHNT bởi ở chuyên ngành nào thuộc lĩnh vực VHNT cũng có những “điểm sáng”, những thành tựu. Đà Nẵng cũng là cái nôi của nghệ thuật tuồng, dân ca kịch…, nhưng làm sao để cái nôi ấy tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu VHNT, nhất là đối với lớp trẻ, để các thế hệ này tiếp nối thế hệ đi trước, thì quả là điều khó!

Tuy nhiên, với Đại hội lần này cùng với việc lãnh đạo thành phố đang tập trung mạnh mẽ nguồn lực cho văn hóa, chúng ta có quyền kỳ vọng về chặng đường mới của VHNT. Người Đà Nẵng có thể kỳ vọng rằng, đời sống văn hóa tinh thần sẽ được nâng cao.

TÚ PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.