Cuối tuần qua, gặp một ông bạn là giám đốc ngành xây dựng tên tuổi ở Đà Nẵng, hỏi công việc thế nào, anh đã không trả lời mà nói sang chuyện khác: Chuyện tác phong lao động và năng suất của công nhân.
Anh kể: Từ trước 1975, người thợ Quảng đã nổi tiếng có tay nghề thuần thục, làm gì ra nấy. Các thầu khoán trong ngành xây dựng Đà Nẵng, Quảng Nam vào làm ở Sài Gòn hay ra Huế, đều mang theo ê-kíp thợ rất có uy tín của mình, nên công trình làm không hết. Thời Pháp thuộc, thợ mộc xứ Quảng còn in đậm dấu ấn ở những khu nhà cổ tận Nam Bộ, Luang Prapang bên xứ Vạn Tượng. Kể cả khu Bảy Hiền, công nhân ngành dệt nhuộm cũng khó có ai bì, không chỉ phát huy nghề truyền thống mà còn thể hiện được sự mẫn cán, khéo tay… Thời bao cấp, các đơn vị xây dựng Quảng Nam và Đà Nẵng ra cả Hà Nội, Lào Cai, Quảng Bình, Hà Tĩnh, sang tận Lào, nhận các công trình lớn, phức tạp. Công trình này nối công trình khác vì… cái tiếng đã trở thành một thương hiệu. Nhiều thợ mộc, thợ nề, thợ hàn, thợ cơ khí người Đà Nẵng, Quảng Nam còn được các chủ đầu tư thương mến… gả cả con gái!
Bây giờ thì sao? Ông bạn tôi nói: Công nhân trẻ mình giờ… chảnh quá, không như những thế hệ trước! Anh kể: Nói như vậy cũng dễ xúc phạm hàng vạn bạn trẻ đang làm việc ở các khu công nghiệp như Điện Nam - Điện Ngọc, Hòa Khánh, Liên Chiểu, Chu Lai… Anh kể rằng, bây giờ các kíp thợ nề, thợ mộc trẻ Quảng Đà mà anh có dịp tiếp xúc thường đòi giá cao, đòi ăn uống nửa buổi và cả tiền “giải mỏi” (tức uống bia, rượu) cuối ngày; nhưng năng suất, chất lượng lại thua thợ các nơi khác. Công nhân một vài nơi đang làm việc lại báo nghỉ đi… dự đám cưới, đi ăn giỗ bất cứ lúc nào. Có lúc còn đòi nghỉ cả ngày thứ bảy hằng tuần chẳng khác gì công chức! “Thành ra tiến độ và cả giá thành mình tính toán cho mỗi công trình với chủ đầu tư thường bị phá vỡ”, anh kết luận.
Một hình ảnh mà người viết bài này trực tiếp quan sát: Hiện nay, nhiều công nhân xây dựng cầu đường, xây dựng dân dụng, kể cả lao động thủ công ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vào tìm việc ở các công trường, xí nghiệp trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng khá lớn. Họ làm việc rất cần cù, tay nghề cũng không thua kém đồng nghiệp khác, trong khi sinh hoạt, tiêu pha lại rất chừng mực, ít sa đà nhậu nhẹt. Độ năm bảy tháng dành dụm được kha khá hoặc đến lễ, Tết mới xin nghỉ phép, mang tiền về quê phụ giúp gia đình. Mấy công nhân làm việc ở một trại chăn nuôi mà tôi biết là thanh niên gốc Thanh Hóa, ít khi thấy họ ra khỏi trang trại vào cuối ngày nếu không có việc cần, đến nỗi họ cũng tự chung tiền nấu rượu để uống, lấy hèm chăn nuôi thêm để tích lũy thu nhập và tìm mọi cách từ chối những mời mọc chè chén của những đồng nghiệp địa phương…
Một đồng nghiệp của họ là người địa phương bảo: “Chúng nó keo kiệt!”. Trong lúc người chủ trang trại lại khen hết lời: “Họ làm với tôi đã 4 – 5 năm nay, chưa bao giờ bỏ việc và lúc nào cũng cật lực”. Một lần đi tìm hiểu trên công trường mở đường từ Nam Trà My đến Kon Tum, chúng tôi cũng đã chứng kiến cảnh làm việc của nhiều công nhân xây dựng, khoan đá người gốc các tỉnh miền Bắc ở đây. Tác phong lao động của những người thợ trên công trường tuy vất vả, xa gia đình nhiều ngày, nhưng họ đều hài lòng với thu nhập…
Trở lại câu chuyện của ông bạn giám đốc trên đây: Do tác phong lao động, giá cả và năng suất của người thợ không tương thích, thị trường của ngành xây dựng Quảng Nam, Đà Nẵng ngày nay bị thu hẹp thấy rõ. Trong lúc đó, nhà thầu ở các tỉnh khác lại tìm được nhiều cơ hội ngay tại địa bàn của những công ty, nhà thầu người địa phương vốn có uy tín trước đây.
Câu chuyện của người lao động như vừa nêu không bao giờ là chuyện của những cá thể, nó liên quan đến những ngành hoạt động rộng lớn hơn trong nền kinh tế. Sự chuyển đổi thị trường lao động ở thung lũng Silicon (Mỹ) cách đây mấy năm là một ví dụ. Những chuyên viên công nghệ thông tin người Ấn Độ, với thái độ làm việc nghiêm túc, sẵn sàng nhận lương thấp trong điều kiện khủng hoảng… đã dần dần giành được việc làm của nhiều người Mỹ và người Việt vốn được lương cao hơn trước đó. Trong những ngày lưu lại California vừa qua, nhiều chủ tiệm nail người Việt cũng cho biết họ đang bị cạnh tranh gay gắt từ những người thợ gốc Hoa vì chuyện giá cả lẫn chất lượng dịch vụ.
Rõ ràng đây là câu chuyện đáng cho chúng ta suy nghĩ khi phân tích về thị trường lao động!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG