Tăng hay không tăng lương trong năm 2015? Đó là một nội dung được các cử tri là những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước rất quan tâm tại kỳ họp thứ 8 của QH khóa 13 đang diễn ra. Theo lộ trình cải cách tiền lương thì năm 2015 phải tăng lương tối thiểu.
Theo báo cáo của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ QH, ước thu cả năm 2014 vượt 10,6% dự toán. Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định, năm 2015, không bố trí được nguồn cho tăng lương. Số vượt thu sẽ được dùng để trả nợ. Nguyên nhân lý giải việc không thể tăng lương là do bội chi ngân sách. Tăng lương bội chi ngân sách sẽ lớn hơn, nợ công sẽ vượt trần. Không chỉ có tiền lương mà còn nhiều lĩnh vực khác rất cần đầu tư.
Căn cứ vào đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế công bố mới đây: Năng suất lao động xã hội của Việt Nam thấp nhất châu Á, có ý kiến nhận định lộ trình tăng lương nhanh hơn so với năng suất lao động. Do vậy, cải cách tiền lương cần phải chậm lại so với lộ trình. Mặt khác, quy mô bộ máy người hưởng lương từ ngân sách quá lớn cũng là một khó khăn cho việc bố trí ngân sách tăng lương.
Trả lời báo chí bên lề kỳ họp QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi có quan điểm: Đầu tư cho tiền lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển. Tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho người lao động, không làm cho con người có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động, nói cách khác là không có điều kiện tăng năng suất lao động. Không tăng lương thì tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội. Vì thế, tăng lương phải là một trong những mục tiêu chi ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Trong khi đó, thực trạng bất cập tiền lương khu vực hành chính sự nghiệp là vấn đề cũ nhưng vẫn luôn thời sự trong nhiều năm qua. Đến nay, cải cách tiền lương vẫn trên chặng đường “đuổi hình bắt bóng”, chưa đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu. Vì lương không đủ sống nên có đến 79% cán bộ, công chức (theo kết quả khảo sát xã hội học của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới trong năm 2012) có khoản thu nhập ngoài lương, trong đó nhiều khoản nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, tăng lương giải quyết hai vấn đề cơ bản lớn: Thứ nhất là tăng năng suất lao động, đời sống tốt thì năng suất lao động sẽ tăng lên; thứ hai là giải quyết vấn đề xã hội, hạn chế được tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, công chức, khó khăn quá có thể dẫn đến sai lầm như tham nhũng, tiêu cực.
Dư luận cử tri là những người đang hưởng lương từ ngân sách vẫn mong muốn lương tối thiểu tăng theo lộ trình đã định. Mặc dù lương chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu song có tăng cũng giải quyết phần nào khó khăn của cuộc sống, ít nhất cũng là bù một phần trượt giá trong thời gian qua. Tăng lương cũng có ý nghĩa bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với những người về hưu sớm hưởng mức lương thấp; người đang hưởng trợ cấp xã hội. Như vậy, tăng lương theo đúng lộ trình là cần thiết, là đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu cử tri là những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Vấn đề đặt ra, cần có những giải pháp thực hiện tăng lương tối thiểu nhưng không gây áp lực lớn cho ngân sách Nhà nước. Đó là việc tinh giảm biên chế, cắt giảm phải thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. Cắt giảm được 30% những người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” trong số 2,8 triệu công chức thì khoản tăng lương không trở thành vấn đề gánh nặng ngân sách.
Đồng thời cần mở rộng thực hiện khoán biên chế, khoán chi để nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cần gắn với từng bước tiến tới có cơ chế trả lương theo năng suất lao động, kết quả, hiệu quả làm việc ở khu vực công và thu nhập cao là động lực phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức. Để có nguồn chi tăng lương phải thực hiện tiết kiệm chi, cắt giảm những khoản chi không cần thiết, những dự án đầu tư chưa cấp thiết.
Cử tri kỳ vọng QH sẽ có giải pháp quyết liệt để việc tăng lương theo lộ trình không lỗi hẹn vào năm 2015.
HOÀNG ANH