Có một câu chuyện về người dân quận Ngũ Hành Sơn khi nhận đất tái định cư thực tế đã sung sướng đến bật khóc vì sau thời gian dài chờ đợi, gia đình họ mới có được mảnh đất làm nhà.
Điều đáng nói, thực hiện chủ trương của thành phố để có một bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, gia đình họ đã nhanh chóng giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho cơ quan chức năng; nhưng do những bất cập trong quá trình thi công dự án, bố trí đất tái định cư, nên gia đình họ phải nhận tiền hỗ trợ để đi thuê nhà, sống trong điều kiện thiếu ổn định.
Chỉ đến khi lãnh đạo thành phố nhận ra bất cập, nhất là tình trạng “đất chờ dân, dân chờ đất”, nên có chính sách mới trong giải quyết nợ đất tái định cư, thì gia đình họ mới nhận đất để làm nhà, ổn định cuộc sống. Việc thiếu công khai trong đền bù, bố trí đất tái định cư cũng ít nhiều tác động đến tâm lý của một bộ phận người dân sống trong các khu vực giải tỏa khác, ảnh hưởng đến quá trình chỉnh trang đô thị ở một số dự án…
Một câu chuyện nữa là hậu xử lý tình trạng xây dựng, cơi nới trái phép ở 4 xã thuộc địa phận huyện Hòa Vang - nơi có dự án đường vành đai phía Nam giai đoạn 2 đi qua. Sai thì phải sửa, nhưng nhiều hộ dân cho rằng, giá như cán bộ, đảng viên nêu gương cũng như đừng có sự mập mờ, thiếu minh bạch về thông tin dự án, thì người dân đã không ồ ạt xây dựng, cơi nới sai trái như thế. Họ xấu hổ vì đã không tỉnh táo trước thông tin thiếu chính xác, để ảnh hưởng đến truyền thống cách mạng của địa phương, gây tiếng xấu cho quá trình xây dựng nông thôn mới mà trong đó có chính công sức, tiền của của họ…
Hai câu chuyện đó, dẫn lại trong thời điểm kỷ niệm 65 năm Bác Hồ viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự thật số 120, ra ngày 15-10-1949, mới thấy rằng giá trị của bài báo vẫn còn nguyên; việc vận dụng tinh thần bài báo vào cuộc sống hôm nay vẫn còn nóng hổi.
Đó là khi giải đáp “Dân vận là gì?”, Người viết: “Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Ðiểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân”.
Nhiều người hay nhắc đến kỳ tích khoảng 100.000 hộ dân của Đà Nẵng trong hơn 16 năm qua đồng thuận trong việc giải tỏa, di dời, có lúc phải chấp nhận cuộc sống vất vả, khổ cực ban đầu để góp phần xây dựng nên một vóc dáng đô thị khang trang, hiện đại hôm nay. Để từ đó, một phương châm hành động quý báu được rút ra là “Đảng nói - dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động - dân theo; chính quyền làm - dân ủng hộ”…
Kỳ tích ấy, phương châm ấy có được là nhờ Đà Nẵng đã vận dụng một cách khéo léo tinh thần dân vận “việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ”; là tinh thần “cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức cho toàn dân thi hành”… của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể. Để rồi từ trong công tác dân vận của Đảng, chính quyền…, ở Đà Nẵng cũng hình thành chủ trương “dân vận dân” - tức là những người dân gương mẫu động viên, vận động những người dân khác cùng khu vực, cùng hoàn cảnh… cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành việc chung; vì lợi ích chung, lâu dài mà phấn đấu, hy sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình đó, không phải lúc nào và nơi nào, tinh thần dân vận của Bác cũng được vận dụng một cách sáng tạo, tích cực và hiệu quả. Vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm…, một số cá nhân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, đã làm ảnh hưởng đến chủ trương chung, thành quả chung của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và đông đảo nhân dân thành phố đóng góp. Trong đó, có việc thiếu trách nhiệm, thiếu công khai… trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, trong vận động nhân dân; mà 2 ví dụ đã nêu trên là dẫn chứng.
Vì vậy, trong công cuộc vận động nhân dân hiện nay, cùng với “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” (Dân vận - Bác Hồ), thì người làm công tác dân vận ngày nay cần chú trọng hơn nữa sự công khai, minh bạch, nhất là về thông tin các chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện; từ đó người dân tích cực hưởng ứng, làm theo, để “họ phải hăng hái làm cho kỳ được” như lời Bác Hồ căn dặn.
ANH QUÂN