.

Hiệu quả truyền thông phòng bệnh

Tuần qua, cơ quan giám sát dịch bệnh thành phố ghi nhận 60 trẻ em mắc bệnh tay-chân-miệng, tăng 18 trường hợp so với tuần trước đó, nâng tổng số ca mắc tay-chân-miệng từ đầu năm đến nay là 1.057 trường hợp.

Đáng lo ngại là số bệnh nhân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thu dung điều trị tại thành phố vẫn chưa có xu hướng giảm. Hai dịch bệnh khác đang song hành là sốt phát ban nghi sởi và sốt xuất huyết chủ yếu rơi vào đối tượng dễ mắc và lây lan là trẻ em cũng có dấu hiệu tăng. Bệnh nghi viêm não Nhật Bản cũng đã xuất hiện ở 11 trẻ em trên địa bàn thành phố khiến cho nhiều gia đình có trẻ nhỏ thật sự lo lắng.

Thời điểm này, một loại dịch bệnh nguy hiểm khác đang lưu hành là Ebola luôn được cảnh báo có nguy cơ xâm nhập vào thành phố qua đường hàng không vẫn khá cao. Cũng giống như dịch SARS, Ebola có tốc độ lây lan khủng khiếp, dễ gây tử vong nếu phát hiện, điều trị muộn và cách ly không kịp thời. Mặc dù so với cùng kỳ năm trước, bệnh nhân nghi mắc những căn bệnh nói trên giảm, tuy vậy điều nguy hiểm là dịch bệnh đang tăng trong thời điểm vừa tựu trường và bước vào đầu mùa mưa là cảnh báo cần được ngành y tế theo dõi chặt chẽ và đưa ra những khuyến cáo kịp thời cho đối tượng là học sinh, sinh viên và trẻ nhỏ.

Những diễn biến nóng của những căn bệnh truyền nhiễm cho thấy tính chất phức tạp và khó lường của những mặt bệnh vốn ít xuất hiện từ khoảng 10 năm trước đã tạo sức ép rất lớn trong công tác phòng ngừa trong thời gian gần đây. Nguy cơ lây nhiễm chéo khi đang điều trị và hiện tượng “dịch chồng dịch” cũng đã từng được ghi nhận tại một số địa phương cho thấy không chỉ công tác dự báo để phòng bệnh gặp khó khăn mà công tác chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị hiện đại để thu dung điều trị bệnh nhân cần phải bảo đảm ở một yêu cầu cao hơn, cường độ làm việc cật lực, vất vả hơn.

Nhận định bệnh tay-chân-miệng bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân chưa tốt nên nguy cơ dịch gia tăng trong thời gian tới rất lớn. Biện pháp phòng, chống đơn giản mà hiệu quả là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng cần được hướng dẫn thực hiện cho trẻ thường xuyên trong ngày. Riêng với bệnh sởi, giải pháp duy nhất để đẩy lùi là tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Điều đáng ghi nhận là trong thời gian qua công tác tiêm phòng vắc-xin cho trẻ em đúng độ tuổi được ngành y tế thành phố triển khai đồng bộ, không để xảy ra sự cố đáng tiếc gây tử vong. Thậm chí, trong khi vắc-xin tiêm chủng mở rộng miễn phí người dân còn e ngại hoặc thờ ơ thì vắc-xin dịch vụ phải trả chi phí cao, dân lại chen chúc xếp hàng chờ để được tiêm chủng cho con. Đây là nghịch lý cần được các cơ quan truyền thông sức khỏe và thông tin đại chúng, đặc biệt là những cán bộ y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi trẻ em đều được chủng phòng ngừa những căn bệnh truyền nhiễm ngay từ nhỏ theo đúng Chương trình tiêm chủng quốc gia.

Tổn thất do dịch bệnh gây ra ngoài ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của con người, còn gây thiệt hại về kinh tế và tạo tâm lý hoang mang lo sợ trong cộng đồng. Tuy vậy, vấn đề là làm thế nào để tuyên truyền tốt, nhất là các phương pháp phòng ngừa hiệu quả là trách nhiệm chính của ngành y tế. Dù trong thời điểm nào, khẩu hiệu “truyền thông trước một bước” trong tuyên truyền phòng ngừa dịch bệnh luôn đóng vai trò quan trọng nhằm hạn chế phát sinh và bùng phát dịch bệnh. Truyền thông phải bảo đảm yêu cầu kịp thời, trung thực, đơn giản dễ hiểu nhưng phải có sự hấp dẫn và thu hút mới tạo được niềm tin trong xã hội để từ đó thực hiện đúng hiệu quả như mong đợi.

DIỆU MINH

;
.
.
.
.
.