Hơn 3 năm Nghị định 55/2011/NĐ-CP (quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy pháp chế) được ban hành, nhưng đến nay, Đà Nẵng vẫn chưa có bộ máy và cán bộ pháp chế chuyên trách ở 14 sở, ngành thuộc UBND thành phố. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho công tác pháp chế ngành chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp tại cuộc giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố mới đây, trong năm 2014, chỉ có 39 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của thành phố được ban hành qua 110 lượt dự thảo văn bản được thẩm định. Điều này cho thấy chất lượng xây dựng dự thảo VBQPPL chưa tốt nên bị bác bỏ nhiều.
Những dự thảo bị bác bỏ là văn bản chưa bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, khả thi, hợp lý và hiệu quả. Nguyên nhân xuất phát từ sự chậm trễ tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ pháp chế chuyên trách theo tinh thần Nghị định 55/2011/NĐ-CP. Cán bộ đang làm nhiệm vụ pháp chế hiện tại của các sở, ban, ngành là kiêm nhiệm; tổ chức bộ máy thì “gá” vào thanh tra sở, ngành.
Trong số này nhiều người chưa có trình độ cử nhân luật. Thực trạng đội ngũ cán bộ pháp chế như thế ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tham mưu xây dựng, rà soát, kiểm tra, xử lý VBQPPL của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố. Sự chậm trễ thành lập bộ phận pháp chế chuyên trách còn do tâm lý chờ đợi Trung ương cho thêm chỉ tiêu biên chế. Mặt khác, do thực hiện khoán biên chế, khoán chi hành chính nên các đơn vị không thể thực hiện bổ sung cán bộ hợp đồng. Với tiêu chí quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP, cán bộ pháp chế có trình độ cử nhân luật đã có ít nhất 5 năm trực tiếp làm công tác pháp luật thì khó mà tìm ra người để bố trí.
Không thể chậm trễ hơn được nữa, UBND thành phố đã có Chỉ thị số 11/CT-UBND yêu cầu các cơ quan chuyên môn và các doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND thành phố đến cuối năm 2014 phải dứt điểm việc kiện toàn cán bộ chuyên trách làm công tác pháp chế. Ban Pháp chế cũng đưa ra yêu cầu việc kiện toàn cán bộ làm công tác pháp chế ngành phải đáp ứng các yêu cầu: Bố trí đúng người, đúng chuyên môn, không kiêm nhiệm. Chủ công của nhiệm vụ này là Sở Nội vụ và Sở Tư pháp mới đây đã tiến hành phỏng vấn tuyển dụng các đối tượng từ nguồn cán bộ thu hút theo chính sách của thành phố để bố trí cho nhiệm vụ này.
Như vậy, sắp tới đây, Đà Nẵng sẽ có đội ngũ cán bộ pháp chế chuyên trách ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố. Đây sẽ là công cụ sắc bén, hữu hiệu, là cơ quan tham mưu về chính sách, pháp luật, giúp lãnh đạo theo dõi việc thực hiện chính sách, pháp luật. Hy vọng chất lượng xây dựng VBQPPL sẽ được cải thiện. Công tác rà soát, kiểm tra, xử lý VBQPPL; công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực thi pháp luật, tham mưu về các vấn đề pháp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác pháp chế cần được tập huấn nghiệp vụ bảo đảm nắm chắc 10 nhiệm vụ của công tác pháp chế, am hiểu pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của cơ quan mình. Cần nhận thức đúng về công tác này, không nên coi công tác pháp chế là kiêm nhiệm thêm cho cán bộ là đủ. Nếu thực sự đầu tư cho công tác này thì đây là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, có ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền thành phố. Trong khi Nhà nước chưa có chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác pháp chế, thành phố cũng cần quan tâm có chính sách riêng để cán bộ toàn tâm, toàn ý cho công việc quan trọng này.
HOÀNG ANH