.

Dịch vụ - nhìn từ những việc nhỏ

Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập của một doanh nghiệp vận tải taxi mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014” Võ Duy Khương đã lưu ý lãnh đạo doanh nghiệp này cần chú trọng đến việc giáo dục, nâng cao ý thức để mỗi tài xế taxi trở thành một “đại sứ du lịch” của Đà Nẵng thông qua hoạt động phục vụ khách của mình.

Theo đó, đừng để khách đến tham quan, công tác ở Đà Nẵng phải thắc thỏm lo âu vì chuyện “chặt chém” qua việc chạy lòng vòng, điều chỉnh đồng hồ tính tiền… hoặc xảy ra tình trạng tranh giành khách rồi ẩu đả, vừa gây mất trật tự, vừa tạo hình ảnh xấu không chỉ cho giới tài xế taxi mà cả người dân thành phố. Một thành phố thân thiện, hài hòa, mến khách và đáng sống… phải bắt đầu từ hình ảnh, cách ứng xử của từng lái xe taxi.

Nói như vậy, để thấy rằng, không chỉ là chuyện tổng thể xây dựng một đề án nghiêm túc, khoa học để triển khai trong suốt giai đoạn 2011-2015 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố về một trong 5 đột phá chiến lược của Đà Nẵng là phát triển dịch vụ, mà từng tiểu tiết trong lĩnh vực này cũng được lãnh đạo thành phố quan tâm, theo dõi, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, phù hợp với hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…

Bởi, nhiều tiểu tiết trong việc thực hiện chủ trương lớn, nếu chỉ sơ sẩy ở một khâu, một việc nào đó cũng làm ảnh hưởng đến thành quả chung. Đặc biệt là trên lĩnh vực dịch vụ - một lĩnh vực tác động trực tiếp đến tâm lý khách hàng, “khách hàng là thượng đế” trong quá trình mua bán sản phẩm, hàng hóa.

Đà Nẵng đang nhận được nhiều tình cảm quý báu của bạn bè trong và ngoài nước. Trong thành quả đó, có công sức đóng góp của từng người, kể cả những người lao động chân tay, buôn thúng bán bưng… như người lao công chăm chút cho từng con đường, góc phố sạch sẽ; người bán hàng rong giảm dần sự chèo kéo, giành giật khách; lái xe taxi chạy đúng đường, lấy đúng giá và cả trả lại tài sản cho hành khách để quên trên xe…

Chính vì vậy, sự đóng góp dù là nhỏ, trong từng tiểu tiết của mỗi người dân, cán bộ, công chức… của Đà Nẵng chính là viên gạch để xây dựng nên thương hiệu “sống tốt” cho thành phố; không kể cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nơi họ làm việc, hoạt động trên lĩnh vực gì.

Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng lượng khách và doanh thu từ du lịch, thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong triển khai các phần việc của đề án phát triển dịch vụ thành phố đến năm 2015, tầm nhìn 2020 như: khu phố chuyên doanh trên đường Lê Duẩn được thực hiện với kinh phí 20 tỷ đồng, trong đó có 30% đóng góp của các doanh nghiệp, người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm lưu niệm du lịch trên địa bàn thành phố; phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch bán đảo Sơn Trà và quy hoạch tuyến - điểm du lịch trên bán đảo Sơn Trà; ban hành quyết định công nhận 5 tuyến du lịch địa phương…

Các doanh nghiệp góp sức với việc đưa một số hạng mục dự án Công viên Châu Á (Asian Park), các sản phẩm du lịch mới tại Khu du lịch Bà Nà… đi vào hoạt động; phối hợp với chính quyền thành phố mở các đường bay trực tiếp…

Vì vậy, để Đề án phát triển dịch vụ của thành phố đạt được những mục tiêu đề ra, thì không chỉ là giải quyết những vấn đề vĩ mô, mà rất cần đến sự nỗ lực của mỗi người, kể cả những người dân bình thường, người lao động phổ thông… trên nhiều lĩnh vực; từ đó góp sức xây dựng một thương hiệu dịch vụ của Đà Nẵng, trong đó dịch vụ du lịch là mũi nhọn trong thời gian đến.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.