Bản chất của tranh chấp Biển Đông là hết sức phức tạp, bao gồm hàng loạt vấn đề về chủ quyền các quần đảo, vấn đề phân định biển, vấn đề sử dụng tài nguyên cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống. Để giải quyết các tranh chấp, hợp tác là một trong những cách thức được tính đến.
Về mô thức giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông, cũng có những quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, mọi vấn đề về Biển Đông chỉ liên quan đến các bên có yêu sách trên Biển Đông và do đó chỉ chấp nhận đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan.
Quan điểm khác thì cho rằng, hòa bình, ổn định, tự do đi lại trên không và trên biển ở Biển Đông là lợi ích của tất cả các nước và do đó, các nước đều phải có trách nhiệm trước lợi ích của chính mình và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Do những khác biệt trên đây và nhiều lý do khác, biết bao kiến nghị chính sách và dự án hợp tác đầy tâm huyết vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.
Và trên Biển Đông trong những năm qua, ai cũng thấy rõ xu hướng “nguyên trạng” đang bị thay đổi. Riêng trong năm nay, đã có sự thay đổi mang tính đột biến và nguyên trạng đã không còn nguyên nữa. Hậu quả lớn nhất của tình hình này là lòng tin giữa các bên liên quan ngày càng suy giảm, niềm hy vọng của nhân dân trong khu vực về một Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển bị xói mòn bởi sự lo ngại.
Theo dự đoán của các chuyên gia, tình hình Biển Đông trong năm tới có thể còn diễn biến phức tạp hơn nữa. Biển Đông tiếp tục là một trong những khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới. Chủ nghĩa dân tộc quá khích đã gia tăng trong một số nước; xu hướng tăng cường vũ trang, bán vũ trang đang mạnh dần lên; lòng tin giữa các bên liên quan tiếp tục suy giảm. Những xu hướng này sẽ làm cho tình hình Biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang.
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đang diễn ra tại Đà Nẵng là sự tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi sâu về những diễn biến gần đây; về lợi ích và chính sách của các bên liên quan và đưa ra những kiến nghị mới không nằm ngoài mục đích đóng góp thiết thực hơn vào việc giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tư lệnh Hạm đội Hải quân Miền Đông (Ấn Độ) cho rằng, tham vọng chiếm hữu của con người dường như là vô tận. Các quốc gia cũng hành xử có phần giống như con người. Trong suốt chiều dài lịch sử, quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên là động lực chính dẫn đến xung đột, cạnh tranh và vị thế chiến lược.
Giành “đặc quyền” đối với các nguồn tài nguyên, các tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược và quyền tài phán đối với các tài sản chung của thế giới là một trong những xu hướng hiện nay thể hiện rõ ở Biển Đông, nơi được đánh giá là một trong những vùng biển quan trọng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Hành động quyết đoán của một quốc gia, không chỉ thay đổi hiện trạng mà còn khiến nhiều quốc gia khác lo ngại, đặc biệt là các nước ven Biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, người ta đang tự hỏi về tương lai của khu vực trọng yếu này, trừ khi các bên liên quan ngừng các hành động đơn phương và tuân thủ chặt chẽ những nguyên tắc được quy định trong UNCLOS và các quy ước quốc tế khác. UNCLOS III là công ước được chấp nhận rộng rãi nhất và đến nay đã có 166 quốc gia thông qua.
Theo Phó Đô đốc Anup Singh, nếu vẫn cảm thấy sợ mơ hồ, hoặc khoảng trống không thể khỏa lấp của Công ước này, khi đó các quốc gia biển cần tổ chức một hội nghị khác của Liên Hợp Quốc về Luật biển để bàn thảo xây dựng UNCLOS IV. Nhưng cho đến lúc đó, các bên yêu sách ở Biển Đông phải ngừng việc chiếm giữ thêm các đảo, đá, bãi cạn bằng vũ lực.
Các quốc gia biển nói chung và các quốc gia ven biển Biển Đông nói riêng cần có quan điểm mạnh mẽ, phù hợp để chống lại cách hành xử hiếu chiến, độc đoán của một nước mà điển hình là vụ giàn khoan Hải Dương 981 diễn ra trong khoảng thời gian đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014.
Vì vậy, điều cần làm ngay lúc này là cộng đồng thế giới phải lên tiếng và ủng hộ các quốc gia ven biển Biển Đông bằng việc kêu gọi tự do hàng hải và gìn giữ không gian biển như là di sản chung của nhân loại cho đến khi các bên liên quan đạt được một giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp lãnh thổ. Sự cân bằng quyền lực thực sự phải luôn được duy trì trong khu vực để bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp các thực thể đất và việc phân bổ hợp lý các nguồn tài nguyên của đại dương.
Tại hội thảo lần này, Tiến sĩ Vương Quán Hùng, Giáo sư, Viện khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Đài Loan đưa ra gợi ý rằng, hoạt động bảo tồn và quản lý chung nguồn lợi thủy sản có thể là một điểm khởi đầu. Từ đó, các bên liên quan có thể xây dựng lòng tin, tiến tới mở rộng hoạt động hợp tác hoặc phối hợp trong các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, để có được một cơ chế tổ chức tốt nhằm bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên sinh vật ở Biển Đông, hợp tác khu vực giữa các bên liên quan và sự đóng góp của tổ chức quản lý nghề cá khu vực là hết sức cần thiết. Hơn nữa, mô hình này còn có thể góp phần vào việc đem lại giải pháp cho các tranh chấp ở Biển Đông.
ĐOÀN LƯƠNG