Làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành. Đó là ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực hiện di huấn ấy của Người, những năm qua, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” trên địa bàn thành phố năm 2014 tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ, mang dấu ấn sâu sắc văn hóa “tương thân tương ái” trong cộng đồng.
159 hộ nghèo được về ở trong những căn nhà đại đoàn kết mới xây, 385 hộ nghèo khác được sửa chữa lại nhà và 7.300 hộ nghèo đã thoát nghèo theo chuẩn của thành phố (trong đó có 1.575 hộ thoát khỏi mức đặc biệt nghèo, 114 hộ cựu chiến binh và 362 hộ chính sách).
Đây là con số cụ thể chứng minh cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” năm 2014 trên địa bàn thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả. Những đồng tiền mang đầy nghĩa tình “lá lành đùm lá rách” tiếp tục đến tận tay người nghèo dưới hình thức đáp ứng những nhu cầu cấp thiết nhất của mỗi hộ nghèo. Đó là những căn nhà đại đoàn kết mà đối với nhiều người nghèo đó là niềm mơ ước cả đời; là những phương tiện sinh kế, là số vốn đầu tư sinh nhai ban đầu cho một ngành nghề; là chi phí chữa bệnh hiểm nghèo, hay suất học bổng để con em họ không vì nghèo mà phải bỏ học...
Khi khó khăn lớn nhất được cộng đồng chung tay hỗ trợ giải quyết, thì phần còn lại cần sự nỗ lực của mỗi người nghèo để cái nghèo không đeo bám, truyền đời sang con cháu. Ý chí thoát nghèo của mỗi người nghèo cũng có ý nghĩa làm theo di huấn của Hồ Chủ tịch.
Tính đến ngày 6-11-2014, Quỹ “Vì người nghèo” toàn thành phố đã huy động được 19,345 tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì đây là một nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Mặt trận các cấp với vai trò chủ trì, nòng cốt góp phần đưa cho cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp.
Chia sẻ với người nghèo là tình cảm, là trách nhiệm đã trở thành nhận thức chung của mỗi tổ chức, cá nhân trong cộng đồng. Với nhận thức ấy, cán bộ, công chức, viên chức thành phố vẫn đều đặn chia sẻ ngày lương của mình ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” tại đơn vị mình công tác và cả ở khu dân cư nơi mình sinh sống. Dẫu khó khăn song nhiều doanh nghiệp vẫn đều đặn tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” theo mức có thể.
Có chủ doanh nghiệp tâm niệm rằng: Chia sẻ với người nghèo là thực hiện trách nhiệm xã hội, là việc nên làm. Năm nào làm ăn thuận lợi thì tham gia nhiều, năm nào khó khăn thì bớt lại chút ít chứ không bỏ tham gia đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều doanh nghiệp khác ngoài khoản ủng hộ trực tiếp cho quỹ còn sẵn sàng tham gia chương trình “Chung tay lo Tết cho người nghèo” để mọi nhà đều có Tết. Quỹ “Vì người nghèo” chưa thể tính hết giá trị những hình thức chia sẻ khác với người nghèo.
Đó là những bữa cơm, cháo tình thương giúp bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố của nhiều tổ chức từ thiện, tổ chức tôn giáo, cá nhân hảo tâm; những hoạt động chia sẻ lúc “tối lửa tắt đèn có nhau” trong cộng đồng dân cư… Quỹ “Đồng cảm” của khu dân cư Tân Ninh A, phường Tân Chính, quận Thanh Khê là một ví dụ. Quỹ huy động từ cộng đồng để giúp đỡ người nghèo trong những biến cố đột xuất.
Còn nhiều mô hình tương tự trong hơn 5.800 khu dân cư toàn thành phố giúp người nghèo vơi đi nhiều nỗi khó khăn và vươn lên thoát nghèo. Nhiều hình thức chia sẻ với người nghèo làm cho ngày nào cũng là “Ngày vì người nghèo”.
Qua 4 đề án giảm nghèo cho từng giai đoạn, tiêu chí chuẩn hộ nghèo của Đà Nẵng luôn cao hơn chuẩn quốc gia và luôn về đích trước từ 1 đến 3 năm. Di huấn của Hồ Chủ tịch đang được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và nhân dân Đà Nẵng cụ thể hóa bằng một cuộc vận động đầy tính nhân văn và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
ĐOÀN SƠN